Công tác dân số không chỉ chú trọng tới mục tiêu kế hoạch hóa gia đình như trước mà cần phải gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh - các yếu tố liên quan đến phát triển nhanh, bền vững đất nước để nâng cao vị thế con người Việt Nam góp phần phát triển đất nước phồn vinh.
Yếu tố cần được quan tâm hàng đầu
Dân số là mẫu số của các chỉ tiêu phát triển được tính bình quân đầu người, trong đó đáng chú ý là các chỉ tiêu liên quan đến việc chuyển vị thế của đất nước. Các bài toán phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch (tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh, đô thị, nông thôn…) đều phải tính đến các yếu tố dân số nếu muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững. Do đó, dân số nói chung và nâng cao chất lượng dân số nói riêng là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế Phạm Vũ Hoàng, chất lượng dân số Việt Nam đã được cải thiện nhiều mặt, thể hiện ở mức giảm mạnh của tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ suất tử vong bà mẹ, trẻ em. Tầm vóc thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao trung bình của thanh niên đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 73,6 tuổi (2019), cao hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, nhóm dân tộc thiểu số, dân cư yếu thế đã được Nhà nước chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.
Tuy nhiên, ông Phạm Vũ Hoàng cũng chỉ rõ những hạn chế trong chất lượng dân số hiện nay như: Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Theo báo cáo phát triển con người, chỉ số HDI tăng từ 0,638 điểm, đứng thứ 121/189 quốc gia và vùng lãnh thổ (2013) lên 0,693 điểm, đứng thứ 118 (2018). Mặc dù tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tương đối cao (73,6 tuổi) nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp (chỉ đạt 64 tuổi). Tầm vóc, thể lực chậm được cải thiện (cứ sau 10 năm mới tăng được 1 cm). Ngoài ra, việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc dưới 10.000 người còn hạn chế. Số trẻ sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh và tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên vẫn còn nhiều. Đây là những tồn tại khiến chất lượng nguồn nhân lực của nước ta bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số là yếu tố quyết định thắng lợi hay thất bại trong quá trình cạnh tranh cũng như phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang ngày càng phát triển đúng hướng. Đất nước phát triển, nền kinh tế tăng trưởng tốc độ cao thì chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu. Nếu chất lượng thể chất, tinh thần, trí tuệ của đội ngũ lao động không đáp ứng được, đất nước sẽ không thể vượt qua thách thức của thời đại mới, dần bị tụt hậu… Do đó, vấn đề nâng cao chất lượng dân số cần được đặt lên hàng đầu và cần có các chính sách can thiệp ưu tiên để thực hiện.
Đồng bộ giải pháp, kết hợp nguồn lực
Để góp phần thực hiện nâng cao chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai nhiều mô hình, Đề án, chương trình như: Tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát (sàng lọc) trước sinh và sơ sinh; can thiệp truyền thông để giảm thiểu hôn nhân cận huyết, tình trạng có thai ngoài ý muốn, phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi…
Trong đó, Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 10.000 huyện, xã. Thông qua chương trình, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng từ 20% năm 2016 lên hơn 56% năm 2019. Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 35% năm 2016 lên 40% năm 2019. Bên cạnh đó, mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao nhận thức, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn cho rất nhiều thanh niên; đồng thời truyền thông giảm thiểu vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại nhiều địa bàn “nóng” về tình trạng này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng như sàng lọc trước sinh và sơ sinh là những việc làm vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Những mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã giúp các bạn trẻ trước khi kết hôn biết được họ có mang gene bệnh trong người hay không; đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người mang gene bệnh khi có thai. Trong khi đó, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường.
Trong thời gian tới, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nhân rộng các mô hình có hiệu quả, tập trung đầu tư ở một số địa bàn trọng điểm, nhất là tại khu công nghiệp, khu kinh tế và địa bàn có đối tượng khó tiếp cận như vùng sâu, xa nhằm từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và cải thiện đời sống tinh thần cho người cao tuổi.
Để thực hiện các mục tiêu của công tác dân số nói chung và nâng cao chất lượng dân số nói riêng, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp đầu tiên là xây dựng hệ thống thông điệp để truyền thông phù hợp với đặc điểm dân số từng vùng, địa phương (vùng có mức sinh thấp, vùng mức sinh cao), xây dựng các thông điệp về mất cân bằng giới tính khi sinh, thông điệp giúp người dân hiểu được giá trị của các chương trình nâng cao chất lượng dân số. Tiếp theo là tăng cường truyền thông sâu rộng để các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện theo thông điệp; vận động các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ủng hộ, quan tâm, chỉ đạo ở địa bàn và huy động nguồn lực của địa phương tham gia thực hiện các nhiệm vụ của công tác dân số.
Đồng thời, Tổng cục sẽ đa dạng hóa các loại hình cung cấp hàng hóa và dịch vụ để mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng, tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ năng, chuyên môn cho đội ngũ làm công tác dân số, đầu tư hoàn thiện mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Tổng cục sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện các chính sách nhằm tăng cường sự hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, cán bộ làm công tác dân số, xã hội hóa cung cấp các dịch vụ, kết nối hệ thống công lập và tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ…
Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới tại Việt Nam, không chỉ riêng mình ngành Y tế triển khai được, mà cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị; sự phối hợp của các sở, ban ngành ở địa phương và người dân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.