Thực hiện Nghị định 39 ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, từ tháng 6/2015 - 30/9/2020, tại 53 tỉnh triển khai Nghị định có 73.775 trường hợp được hưởng hỗ trợ. Nghị định quy định rõ đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ người kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) sinh con đúng chính sách dân số.
Mức hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng là 2 triệu đồng/người và hỗ trợ một lần duy nhất; tương ứng mức kinh phí đã chi cho các đối tượng được hưởng là 147.551 triệu đồng. Các tỉnh thực hiện tốt Nghị định 39 trong 5 năm qua, chi trả cho nhiều đối tượng được hưởng như: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Nam, Nghệ An, Gia Lai…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 năm qua có 1.176 người đã nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 39, nhưng vi phạm chính sách do sinh thêm con (không đúng chính sách dân số) với kinh phí đã chi là 2.346 triệu đồng; trong đó, số tiền đã thu hồi được là 1.422 triệu đồng, số trường hợp vi phạm còn lại đang được tiếp tục rà soát thu hồi kinh phí theo đúng quy định.
Tại hội thảo, đại biểu đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn cũng như bài học kinh nghiệm khi thực hiện Nghị định 39 và đề xuất giải pháp, kiến nghị để thực hiện Nghị định đạt kết quả cao trong thời gian tới. Theo các đại biểu, Nghị định 39 là chính sách nhân văn đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu vùng xa sinh con đúng chính sách. Nghị định 39 đã tạo động lực trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách dân số, nhận thức của người dân về công tác dân số ngày càng nâng cao, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 để nuôi dạy cho tốt, qua đó giúp kinh tế nhiều hộ gia đình ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, trong thời gian tới phải xác định được những khó khăn trong thực hiện Nghị định 39 như: Tỷ lệ hộ nghèo thay đổi qua từng năm; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đến việc thực hiện Nghị định 39; cán bộ dân số thay đổi hoặc kiêm nhiệm, không phát huy hết hiệu quả công việc; dân tộc thiểu số, hộ nghèo cư trú ở vùng khó khăn trình độ còn hạn chế…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, giải pháp để thực hiện tốt Nghị định 39 trong thời gian tới, đó là rà soát lại các văn bản để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; làm tốt công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông bằng nhiều hình thức và nhiều thứ tiếng để người dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn nắm được thông tin Nghị định 39.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cần phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc trong việc rà soát, thực hiện các quy trình để người dân được hưởng Nghị định 39; nâng cao chất lượng dân số thông qua tầm soát trước hôn nhân, hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chú trọng chăm sóc trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời.
Dịp này, 16 chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình của 16 tỉnh, thành nhận Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị định 39 của Chính phủ giai đoạn 2015 - 2020.