Mức lương tối thiểu giúp tăng cầu nội địa

Theo tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam, lương tối thiểu không chỉ ảnh hưởng đến người lao động có mức lương sát mức sàn này, mà còn tác động đến cả những người nhận lương cao hơn, thông qua việc điều chỉnh bậc lương trong doanh nghiệp.

Người lao động tại Công ty TNHH MTV Dệt may PanKo Tam Thăng (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Trả lời báo chí về mức tăng lương tối thiểu năm 2018 vừa được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua, TS Chang-Hee Lee cho rằng: mức tăng lương tối thiểu 6,5% cho năm 2018 là quyết định chung của Chính phủ, người sử dụng lao động và công đoàn, thông qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia.



Dựa vào số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam, một số người có thể cho rằng mức tăng lương tối thiểu 6,5% là ở trong khoảng hợp lý. Theo số liệu của Chính phủ, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam tăng 6,2% và CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 4,74% trong năm 2016. Năm nay, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6,5% và CPI tăng 4%.



Lương tối thiểu có thể có tác động khác nhau lên các nhóm người sử dụng lao động và người lao động. Doanh nghiệp ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cảm thấy lợi thế cạnh tranh về giá của họ phải chịu nhiều sức ép vì lương và lương tối thiểu liên tục tăng trong những năm gần đây. 


"Bên cạnh đó, cần nhìn vào những tác động tích cực mà mức lương tối thiểu mang đến là có thể giúp tăng cầu nội địa. Lương tối thiểu không chỉ ảnh hưởng đến người lao động có mức lương sát mức sàn này, mà còn tác động đến cả những người nhận lương cao hơn thông qua việc điều chỉnh bậc lương trong doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là lương tối thiểu tăng có thể giúp cải thiện thu nhập của đa số người lao động, từ đó tăng tiêu thụ nội địa và đóng góp vào một mức tăng trưởng GDP cao hơn. Bởi vậy, khi điều chỉnh lương tối thiểu, chúng ta cần nhìn vào nhiều tác động khác nhau mà sự thay đổi này có thể dẫn tới ở các ngành khác nhau, các doanh nghiệp có năng suất thấp cũng như cao, và toàn bộ nền kinh tế”, TS Chang-Hee Lee cho biết.


Trước ý kiến công đoàn cho rằng lương tối thiểu cần đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình, TS Chang-Hee Lee cho rằng: Tất cả công đoàn trên thế giới đều có cùng mục tiêu đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Mức sống tối thiểu là một khái niệm mang tính tương đối cả về mặt thời gian cũng như tùy theo quốc gia. Chẳng hạn, khi nền kinh tế phát triển hơn, danh sách nhu cầu tiêu thụ của con người cũng dài ra. 20 năm trước đây, nếu chúng ta có 3 bữa cơm mỗi ngày và mua được 1 chiếc xe đạp, thế có lẽ đã là đủ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chỉ những thứ này không còn là đủ nữa.



Theo Công ước về xác lập tiền lương tối thiểu của ILO, nhu cầu của người lao động và gia đình họ cần phải được tính đến khi xác lập tiền lương tối thiểu. Đồng thời, Công ước cũng khuyến khích xem xét các yếu tố kinh tế, trong đó có thể bao gồm sức cạnh tranh và ổn định về giá.


Mục đích bao trùm của chính sách tiền lương tối thiểu là nhằm bảo vệ người lao động không bị trả mức lương quá thấp. Nhưng khi được sử dụng một cách hợp lý và kết hợp với các công cụ chính sách khác, lương tối thiểu có thể có những tác động tích cực, giúp giảm chênh lệch tiền lương và tăng bình đẳng giới.


“Lương tối thiểu là một công cụ chính sách xã hội được thiết kế để bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp. Về lý thuyết, lương tối thiểu tác động tới những người lao động ở dưới đáy của thang lương trong thị trường lao động Việt Nam. Nhưng hiện tại, nhiều người lao động không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp ngay cả ở các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ cao cũng chỉ nhận mức lương tối thiểu hoặc nhỉnh hơn lương tối thiểu một chút. Để bù lại mức lương thấp, họ phải làm thêm giờ, thường với thời gian vượt quá pháp luật cho phép. Đó là do thương lượng tập thể kém phát triển”, TS Chang-Hee Lee nhận xét.



Thành quả kinh tế của doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp FDI lớn trong ngành điện tử, cần phải được chia sẻ công bằng hơn. Có thể đạt được mục tiêu này thông qua thương lượng tập thể hiệu quả. Và thương lượng tập thể hiệu quả cần có tổ chức của người lao động hiệu quả, có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động và độc lập với người sử dụng lao động. Rất tiếc, hiện các nơi làm việc tại Việt Nam thường chưa làm được điều đó.



Theo TS Chang-Hee Lee, nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó người lao động có thể được hưởng một cách công bằng những thành tựu của tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường trong nước thông qua tăng cầu nội địa, thì cần cải thiện khả năng đại diện của công đoàn và thương lượng tập thể tại nơi làm việc.


XC/Báo Tin Tức
Để lương tối thiểu tăng thực chất
Để lương tối thiểu tăng thực chất

Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 (áp dụng cho khối doanh nghiệp) là 6,5%, tương đương với mức tăng từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng mỗi vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN