Để lương tối thiểu tăng thực chất

Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 (áp dụng cho khối doanh nghiệp) là 6,5%, tương đương với mức tăng từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng mỗi vùng.

Công nhân lao động mong muốn có thu nhập ổn định cuộc sống.

Nỗi lo tăng giá


Chị Hà Thu Thủy, công nhân Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi cũng mong muốn tăng lương tối thiểu, nhưng điều chúng tôi sợ hơn là tăng giá ngoài trên thị trường. Các lần tăng lương tối thiểu trước, giá phòng trọ, điện nước rục rịch tăng khiến chi phí sinh hoạt lại tăng lên khiến dù tăng lương nhưng không có tích lũy”. Còn anh Nguyễn Hà Phương, công nhân xây dựng tại phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) nhận lương khoán với mức tổng thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ khiến anh Nguyễn Hà Phương phải đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội. 


“Việc xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp dựa trên quy định của Nhà nước và trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn vị nào kinh doanh hiệu quả đều quan tâm đến mức thu nhập, cải thiện đời sống của công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại nhất giá cả thị trường tăng theo lương. Bên cạnh đó là việc cắt giảm các khoản thu nhập khác ngoài lương để bù tăng lương tối thiểu vùng và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều này khiến thực chất thu nhập người lao động không tăng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế giám sát cụ thể để việc tăng lương tối thiểu vùng đi vào thực chất”, anh Phương cho biết..


Đó là những tâm tư của người lao động khi nhận thông tin về lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ năm 2018.


“Việc tăng lương tối thiểu vùng chỉ cải thiện đời sống người lao động khi thực hiện đồng bộ các chính sách liên quan đến nhà ở, đời sống tinh thần, nhà trẻ mẫu giáo cho con người lao động, việc quản lý giá cả...”, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia nhận xét.


Ông Phạm Minh Huân cho rằng: Mong muốn tăng lương là nhu cầu chính đáng của người lao động, tuy nhiên phải căn cứ trên khả năng của doanh nghiệp. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sản phẩm gia công, giá trị thấp, nên tăng lương tối thiểu sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị tác động lớn về tăng lương tối thiểu là các doanh nghiệp da giày, dệt may, thủy sản.


“Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng quỹ lương và chi phí đóng BHXH của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cân đối các khoản chi phí đầu vào để có lợi nhuận. Nếu không hài hòa được các lợi ích, doanh nghiệp sẽ vi phạm luật hoặc sẽ phải sa thải bớt người lao động hoặc đổi mới quản trị, khoa học kỹ thuật để cân đối sản xuất. Sau đợt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Chính phủ nên có sự đánh giá tổng thể 5 hoặc 10 năm tăng lương tối thiểu vùng liên tục để có cái nhìn tổng thể và cũng là căn cứ để sửa Luật Lao động, trong đó có chương về lương tối thiểu. Nếu mức tăng trung bình lương tối thiểu cao hơn các chỉ số khác như GDP hay CPI thì cần có cách tính hợp lý hơn về tăng lương tối thiểu vùng”, ông Phạm Minh Huân phân tích.


Mức tăng đáp ứng


Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: “Với phương án tăng lương trung bình 6,5% thì lương tối thiểu đáp ứng từ 92 - 96% mức sống tối thiểu. Mức tăng này vừa để bù trượt giá, đáp ứng năng suất và một phần nhỏ để cải thiện đời sống người lao động. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Ngay cả các nước phát triển, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu”.


Dù đã chốt, nhưng đại diện người lao động và chủ doanh nghiệp đều chưa hài lòng với mức tăng trên. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động cho biết: “Đại diện cho người lao động muốn mức tăng thấp nhất cũng phải bằng năm ngoái là 7,3%. Nếu mức tăng chỉ 6,5% thì việc đáp ứng mức sống tối thiểu sẽ kéo dài đến năm 2019”.


Khảo sát của Tổng liên đoàn lao động tại 17 tỉnh, thành cho kết quả hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% người lao động có thể có tích lũy."Theo tính toán của Tổng liên đoàn, nếu mức tăng thấp như trên thì lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu theo Điều 91 Bộ luật Lao động phải lùi lại sau năm 2019", ông Chính cho biết.


Còn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho biết: Mức tăng trên vẫn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Trước kỳ họp, doanh nghiệp đều khuyến nghị không tăng lương tối thiểu năm nay. Mặc dù tình hình kinh tế có thể được cải thiện, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường, lao động, môi trường kinh doanh và các yếu tố khách quan khác. Mức độ sản xuất kinh doanh có lúc này lúc khác, việc liên tục tăng lương tối thiểu trong 5 năm từ 2013 - 2017 sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.


"Doanh nghiệp mong muốn người lao động cải thiện thu nhập thì phải dựa vào năng suất lao động và khả năng cống hiến, chứ không thể cứ trông chờ vào việc tăng lương tối thiểu", ông Phòng nhận xét.


Trong khi đó, theo các chuyên gia lao động, thực tế, tăng lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống cho lao động khu vực khó khăn, phần nhiều ở các khu công nghiệp làm công việc thủ công, không đòi hỏi nhiều về tay nghề.


Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: Một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI cũng đã kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ dựa trên sự hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước phải đảm bảo công ăn việc làm; Doanh nghiệp đảm bảo mức chi phí sản xuất; Người lao động đảm bảo quyền lợi với mức sống tối thiểu.


“Đúng là có hiện tượng doanh nghiệp cắt dần các khoản “mềm” và trả vào lương chính thức cũng như đóng BHXH. Đây là hướng đi tất yếu để các khoản sẽ được tính vào lương. Thực tế chỉ có tại Việt Nam, doanh nghiệp mới có nhiều khoản chi phong phú ngoài lương. Còn đóng BHXH là đóng khoản tích lũy lâu dài sau này để hưởng mức lương hưu đủ sống. Do đó, quan điểm của Bộ LĐTBXH, lương tối thiểu có cải thiện cuộc sống của người lao động và khoản “mềm” sẽ đưa vào lương và tính đúng, tính đủ trên công sức của người lao động”, ông Diệp phân tích.


Theo phân tích của Bộ LĐTBXH, tăng năng suất lao động Việt Nam thời gian qua tăng 4%, trong đó khoa học công nghệ chiếm 3% và tiền lương có tác động 1%. “Do đó, nhìn dài hạn, để tăng năng suất, các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, nâng cao trình độ năng lực kỹ năng người lao động để cải thiện năng suất lao động”, ông Doãn Mậu Diệp khuyến cáo.


Sau khi bỏ phiếu, Hội đồng chốt mức tăng cuối cùng là 6,5%. Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng sẽ làm báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng 2018 trong thời gian tới.


- Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương: Theo đánh giá của thế giới, lương tối thiểu chiếm khoảng 40 - 60% mức lương trung bình. Còn mức lương trung bình phải dựa trên hiệu quả của công việc. Nếu lương tối thiểu quá cao sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu của người lao động. Tại Việt Nam, lương tối thiểu chiếm khoảng 57 - 58% tiền lương trung bình, đứng ở mức cao trong khu vực. Giữa lương tối thiểu và lương trung bình có khoảng cách để còn có dư địa cho người lao động và chủ sử dụng lao động thương lượng dựa trên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 


- Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội: Mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp. Do đó, để cạnh tranh, doanh nghiệp tính toán lại cơ cấu nhân sự, cắt giảm chi phí. Lương tối thiểu là nền để cấu thành chi phí thường xuyên, lương tối thiểu tăng sẽ đẩy khoản chi phí BHXH, bảo hiểm y tế tăng theo. Lương tối thiểu tăng 6,5% sẽ kéo các chi phí khác tăng 7 - 10%. Do đó, doanh nghiệp sẽ thay đổi cách khoán sản phẩm, tăng thời gian làm việc và tình huống xấu nhất là cắt giảm nhân sự.


- Bà Vũ Thị Hà, đại diện Công ty dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí: Việc tăng lương tối thiểu vùng nên giãn thời gian, không nên năm nào cũng tăng như thời gian gần đây. Thực tế, dù tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thu nhập vẫn giảm vì phải tăng đóng BHXH và công đoàn phí. Việc tăng lương tối thiểu vùng cao sẽ khiến người lao động không có động lực phấn đấu, vì năm nào cũng được tăng lương.



Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%
Chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%

Ngày 7/8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 3 và chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 (áp dụng cho khối doanh nghiệp) là 6,5%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN