Theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên nhân có cơn mưa trái mùa trưa 7/1 là do rãnh áp thấp xích đạo đang nằm ở vị trí cao đi ngang qua Nam Biển Đông đẩy gió từ Biển Đông vào đất liền kèm theo mưa. Đây là mưa trái mùa cục bộ xảy ra trên 1/2 diện tích Thành phố Hồ Chí Minh.
Mưa trái mùa xảy ra trong thời điểm này ảnh hưởng rất lớn đến những vườn mai ở quận Thủ Đức, quận 12, quận 8 đang chuẩn bị đưa ra dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017. Mưa làm cây mai bung nụ sớm trước Tết hoặc làm cây mất sức không nở nhiều hoa. Năm nay thời tiết nóng lạnh thất thường, nhiều cơn mưa trái mùa xảy ra bất ngờ nên các vườn mai ở TP Hồ Chí Minh chịu thiệt hại không nhỏ.
Nhà vườn Nguyễn Danh ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức, cho biết: "Đã qua tháng Chạp mà trời vẫn mưa thì nhà vườn không thể nào ngờ tới. Trước đó, vào ngày 5/1, cả vườn mai 4.000 chậu của tôi bị ngập nước do sự cố cống thoát nước rạch Đĩa, hôm nay lại bị đợt mưa trái mùa làm cây mai suy yếu hẳn. Tôi phải huy động cả gia đình, người quen biết đến chăm sóc để mai có thể ra hoa đúng vào dịp Tết, tránh thiệt hại lớn".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lành, người trồng mai ở quận Thủ Đức, chia sẻ: Cả năm đầu tư vốn liếng, công sức chăm sóc để mong bán mỗi chậu 500.000 đồng mà thời tiết không thuận lợi, lại bị ngập nước. Mưa trái mùa như thế này thì vườn mai 2.000 chậu của ông bị thiệt hại gần một nửa.
Chia sẻ giải pháp giúp các nhà vườn trồng mai ứng phó với thời tiết thất thường, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan khuyến cáo người trồng mai tại TP Hồ Chí Minh cần thận trọng trong việc chăm sóc mai ở thời điểm trước và sau rằm tháng Chạp, tùy vào tình hình thời tiết. Từ rằm tháng Chạp trở đi là thời điểm các nhà vườn lặt lá mai để cây bung nụ đón Tết. Thế nhưng trước tình trạng thời tiết thất thường, nếu trời chuyển lạnh, nhất là vào ban đêm đến sáng sớm thì nhà vườn cần lặt lá sớm để mai kịp ra nụ. Nếu nắng nóng kéo dài thì người dân lặt lá mai sau rằm tháng Chạp một vài ngày để tránh tình trạng mai nở sớm.