Chương trình nhằm thiết kế, sản xuất và hỗ trợ các mũ bảo hiểm phù hợp với phong tục tập quán cho phụ nữ dân tộc Thái; góp phần nâng cao nhận thức xã hội, hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong việc thực thi quy định về đội mũ bảo hiểm, giúp giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông, xây dựng môi trường giao thông tại Việt Nam văn minh, an toàn và thân thiện.
Thiết kế mũ bảo hiểm ATGT dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái. Ảnh Ủy ban ATGTQG |
Sau gần 10 năm kể từ khi Nghị Quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính Phủ được ban hành, quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện đã thực sự đi vào cuộc sống. Có thể nói rằng đây là một quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông có hiệu lực mạnh mẽ và được toàn dân ủng hộ, nắm bắt và tuân thủ một cách triệt để.
Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam được các tổ chức Quốc tế trong lĩnh vực ATGT và Y tế như: Liên hợp quốc, Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu (GRSP), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP Foundation) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… đánh giá thuộc nhóm cao nhất trên toàn thế giới. Điều đó đã góp phần hiệu quả trong nhiệm vụ hạn chế thương tích và kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc ổn định trật tự xã hội và công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, do khó khăn về kinh tế và phong tục tập quán, nên việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện còn nhiều bất cập.
Nhằm hướng tới mục tiêu toàn dân được sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, Ủy ban ATGTQG đã phát động chương trình vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm “Trọn nghĩa đồng bào, ấm tình cha mẹ”.
Năm 2016, Ủy ban ATGTQG đã vận động hỗ trợ được hơn 100.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đóng quan trọng vào việc giảm thiểu thương tích do tai nạn giao thông trong những năm qua. Mũ bảo hiểm được hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình đã hỗ trợ nhiều mũ bảo hiểm cho các đồng bảo thiểu số, các dân tộc ít người tại Việt Nam.
Thực tế, khi hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc Thái, các mũ bảo hiểm thông dụng không phát huy tác dụng do phong tục để búi tóc trên đầu sau khi kết hôn khiến việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy rất khó khăn và không có tác dụng bảo vệ. Chính vì vậy, nằm trong chương trình vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm “Trọn nghĩa đồng bào, ấm tình cha mẹ”, Ủy ban ATGTQG xây dựng chương trình “Vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn”.
Ủy ban ATGTQG phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đã nghiên cứu thành công và thiết kế mẫu mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ Thái.
Vì vậy, Ủy ban ATGTQG kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đối với các hoạt động của chương trình, góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái.