Ngày 7/1, tại Học viện Ngân hàng, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã khai mạc với sự tham gia của hàng ngàn sinh viên tại hơn 60 trường đại học, cao đẳng, học viện.
Tại Festival, 15 đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày những công trình sáng tạo, đề tài nghiên cứu khoa học, mô hình, ý tưởng đạt giải cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, nhiều công trình, đề tài có tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống, được các nhà khoa học đánh giá cao.
Đại diện cho nhóm sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bạn Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ: Chúng em mang đến Festival một sản phẩm giải pháp thông minh cho gia đình. Sản phẩm này là bộ điều khiển thiết bị trong gia đình, giúp các bạn có thể điều chỉnh thiết bị điện trong gia đình thông qua smartphone. Chúng em đã nghiên cứu và chế tạo sản phẩm được làm từ vật liệu tre truyền thống của Việt Nam, rất tiện dụng khi đi xa vẫn có thể điều khiển được một số thiết bị điện ở nhà như: Bật tắt đèn, quạt, nồi cơm điện, bình nước nóng, điều hòa nhiệt độ. Nghĩa là có thể kiểm soát tất cả các thiết bị điện trong gia đình nhờ hộp điều khiển thông minh này.
Ngoài ra, nhóm sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn mang đến giới thiệu tại Festival Sinh viên Thủ đô sản phẩm mũ bảo hiểm thông minh. Với chiếc mũ bảo hiểm này, khi tham gia giao thông, mọi người đội vào có thể kết nối với điện thoại để nghe và gọi qua 1 micro ở trên mũ. Trong trường hợp không may, nếu người tham gia giao thông bị xảy ra tai nạn thì thiết bị trên mũ bảo hiểm có thể tự kết nối, gọi điện thoại báo về cho gia đình.
Một gian hàng sản phẩm sáng tạo khác cũng thu hút khá đông người đến tham quan, học tập là gian hàng của trường Đại học Phương Đông với chiếc máy in công nghệ 3D. Máy in công nghệ 3D do nhóm sinh viên trường sáng tạo, được sử dụng, ứng dụng trong ngành công nghệ phi thực vật để in ra những mẫu đồ ăn sử dụng trong quảng cáo với ngoại hình bắt mắt. Dựa trên mô hình 3D có thể in ra ngay được các mô hình theo yêu cầu của khách hàng, có thể sử dụng để in trong ngành kiến trúc, công nghệ đúc với nhiều mẫu, mô hình sản phẩm…
Bạn Đào Thị Tú (đại diện cho nhóm sinh viên trường Đại học Phương Đông) cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu học tập của khoa Công nghệ điện tử và khoa Kiến trúc của trường Đại học Phương Đông, nhóm các bạn sinh viên khoa Công nghệ điện tử của trường đã thiết kế ra máy in 3D với giá thành rất rẻ. Trên thị trường hiện nay, giá thành của 1 máy in công nghệ 3D vào khoảng 15 triệu đồng, nhưng sản phẩm của các bạn sinh viên chỉ có giá thành là 7 triệu đồng, khá hợp lý cho những xưởng in nhỏ, mới được thành lập, còn khó khăn nguồn vốn ban đầu”.
Tại gian hàng của Khoa Điện tử - viễn thông, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều người đã dành thời gian quan sát và tìm hiểu thiết bị đo đa thông số bệnh nhân và phần mềm chẩn đoán bệnh do nhóm sinh viên Bộ môn Vi cơ điện tử và Vi hệ thống nghiên cứu, chế tạo.
Hào hứng chia sẻ tính hữu ích của thiết bị này, cậu sinh viên Nguyễn Xuân Đương cho biết: Chúng em nghiên cứu, đưa ra hệ thống phần cứng thu thập các thông số cơ bản của bệnh nhân bao gồm: Tín hiệu điện tim 12 đạo trình chuẩn, thông số huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể. Những thông số này được lưu giữ và hiển thị lại trong những lần tiếp sau đó. Ngoài ra, hệ thống cũng được sử dụng chương trình phần mềm phân tích dạng sóng đưa ra chẩn đoán tự động một số bệnh về tim như: Dày thất trái/phải, dày nhĩ trái/phải, động mạch vành… rất hữu ích cho công tác khám chữa bệnh.