Chuyển trạng thái từ phòng sang chống dịch
Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, ngày 6/5, tỉnh Thái Bình ghi nhận 5 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó huyện Thái Thụy có chùm ca bệnh là ba mẹ con trong một gia đình, các huyện Vũ Thư, Kiến Xương mỗi huyện có một trường hợp dương tính. Lúc này, cả hệ thống chính trị và người dân Thái Bình thực sự bước vào cuộc chiến với đại dịch COVID-19 với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”.
Ngay lập tức, tỉnh Thái Bình đã khẩn trương kích hoạt các biện pháp, chuyển trạng thái từ phòng sang chống dịch. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu, ngành y tế áp dụng triệt để "công thức 4-6" nghĩa là sau 4 giờ mẫu xét nghiệm của trường hợp F1 phải được chuyển lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và sau 6 giờ phải trả kết quả. Đồng thời, tỉnh Thái Bình quyết định giãn cách xã hội trên quy mô toàn tỉnh từ 12 giờ ngày 6/5. Đây là quyết định nhanh chóng, quyết liệt, bởi đây là lần đầu tiên tỉnh Thái Bình ghi nhận có ca bệnh dương tính với SARS-COVID-2 lây nhiễm trong nước.
Ghi nhận trong hai ngày đầu thực hiện giãn cách, hầu như hàng quán, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động thể dục- thể thao tại các phòng tập gym, yoga, aerobic… tại Thái Bình đã tạm thời đóng cửa, người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và đảm bảo khoảng cách 2 mét tại nơi công cộng.
Ông Hoàng Thuận Cường, tổ 8, phường Đề Thám, Thành phố Thái Bình cho rằng, giãn cách xã hội là biện pháp phù hợp và cần thực hiện ngay lúc này để kịp thời kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phường Đề Thám đã kích hoạt ngay các tổ tự quản phòng, chống COVID-19 và vận động người dân, các cửa hàng kinh doanh, buôn bán trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Chị Nguyễn Thị Duyên, nhân viên cửa hàng Tocotoco Tea (Khu Shophouse Vincom, Thành phố Thái Bình) cho biết, thực hiện quy định giãn cách xã hội của tỉnh, ngày 7/5, cửa hàng đã tạm thời đóng cửa, không phục vụ khách đến trực tiếp, chỉ phục vụ khách mua hàng online. Xác định việc làm này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu nhưng đây là việc cần thiết ngay lúc này vì mục đích chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch.
Mặc dù tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên một số người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang nơi công cộng. Từ ngày 6/5 đến nay, Công an Thành phố Thái Bình đã xử phạt 25 trường hợp từ phạt cảnh cáo đến phạt vi phạm hành chính mức 1 triệu đồng/trường hợp với hành vi không đeo khẩu trang...
Cộng đồng chia sẻ chung tay chống dịch
Cùng với cả tỉnh Thái Bình chung tay phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, tại xã Bình Minh, huyện Kiến Xương - nơi đang thực hiện phong tỏa thôn Hưng Đạo do có một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, cấp ủy, chính quyền và người dân đang chung sức, đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Bà Phạm Thị Khái, 79 tuổi, xóm 6, xã Bình Minh cho biết, khi nhận được thông tin trên địa bàn có ca dương tính, bà cũng như nhiều người cao tuổi khác không khỏi tâm lý lo lắng. Được các cấp chính quyền thông báo các biện pháp, hướng dẫn khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bà đã phần nào yên tâm hơn, động viên con cháu, người thân trong gia đình thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch với mong muốn dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, xã có 7 thôn với gần 6.800 nhân khẩu, riêng thôn Hưng Đạo đang thực hiện phong tỏa có 233 hộ với 638 nhân khẩu, trong đó qua rà soát y tế có 115 người từ 65 tuổi trở lên, 35 người có bệnh lý nền. Ngay đêm 5/5, xã đã thành lập 5 chốt kiểm soát tại cửa ngõ thôn Hưng Đạo với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Xã đã chuẩn bị các phương án tiếp tế gạo, nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo mọi người dân trong khu vực phong tỏa đầy đủ điều kiện sinh hoạt, trong đó đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, cận nghèo, người neo đơn trong thôn Hưng Đạo.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình- nơi có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh, phải thực hiện phong tỏa tạm thời từ trưa 6/5. Tất cả cán bộ y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không được phép ra ngoài. Theo Phòng Công tác - xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình), ngay sau khi bệnh viện thực hiện phong tỏa tạm thời, nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ các suất cơm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết tiếp tế cho cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với tổng giá trị trên 150 triệu đồng. Đây là những hành động ý nghĩa, nhân văn của cộng đồng để chia sẻ khó khăn, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, đến 16 giờ ngày 7/5, tỉnh đã truy vết được 823 trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca bệnh, tất cả đều có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tỉnh Thái Bình nhận định, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, do vậy thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch và đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội lúc này thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi công dân với cộng đồng, để mỗi người dân thực sự là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19.