Mở rộng 'pháo đài xanh' an toàn với dịch COVID-19: Bài 3: 'Vùng xanh' cho sản xuất

Không chỉ tăng cường thiết lập, củng cố bảo vệ vững chắc “vùng xanh” là khu dân cư, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất; trong đó đặc biệt chú ý đến công tác xây dựng những “vùng xanh” an toàn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Chú thích ảnh
Thực hiện giãn cách trong khu vực chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) nằm trong Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Kiên trì bảo vệ “vùng xanh” sản xuất

Công ty Cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn là một trong những doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” ngay từ ngày đầu theo yêu cầu phòng, chống dịch của UBND Thành phố. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty thông tin, việc tổ chức “3 tại chỗ” trong một tháng qua đã giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng và diễn biến khó lường.

Dù đã chủ động chuẩn bị cho việc duy trì sản xuất theo hình thức dã chiến nhưng khi tổ chức thực tế vẫn phát sinh rất nhiều vấn đề. Với việc chỉ tổ chức được 50% số lao động làm việc, công suất nhà máy giảm xuống chỉ còn một nửa. Doanh nghiệp phải hy sinh một phần đơn hàng xuất khẩu để tập trung cung ứng các đơn hàng phục vụ thị trường trong nước, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Thành phố và các địa phương trong giai đoạn chống dịch.

Theo ông Trương Tiến Dũng, công suất, sản lượng giảm nhưng chi phí phát sinh rất lớn. Bên cạnh đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho người lao động, chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu đều tăng cao so với trước. Việc duy trì nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến cũng gặp khó khăn. Trước đây, mạng lưới thương lái thu mua, các cơ sở sơ chế sẽ phân loại sẵn các loại nguyên liệu theo tiêu chuẩn, kích cỡ và cung ứng cho doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 lan rộng tại các vùng nguyên liệu, thương lái nghỉ việc, các cơ sở sơ chế nguyên liệu ngừng hoạt động, các doanh nghiệp chế biến đầu cuối buộc phải mua nguyên liệu thô về phân loại, xử lý. Việc này không chỉ khiến công suất chế biến giảm mà còn đẩy chi phí tăng thêm.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực hết sức để duy trì sản xuất “3 tại chỗ” trong thời gian thành phố tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 15/9 với quyết tâm và mục tiêu lớn nhất là không để đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch của Thành phố, từ giữa tháng 7 đến nay doanh nghiệp đã thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” cho 400 lao động. Ngay cả khi đã thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm nhanh hàng tuần cho công nhân làm việc trong nhà máy và yêu cầu tất cả nhân viên chấp hành nguyên tắc 5K. Với nhóm nguy cơ cao, thường xuyên di chuyển, tiếp xúc như lái xe, nhân viên giao nhận, tần suất xét nghiệm là 2 lần/tuần.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, việc duy trì sản xuất và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch như thời gian vừa qua khiến chi phí sản xuất phát sinh rất nhiều nhưng đây là phương án hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc áp dụng “3 tại chỗ” trong thời gian dài phát sinh rất nhiều vấn đề bất ổn, đặc biệt là tâm lý của người lao động.

“Khi người lao động phải bó buộc mọi hoạt động trong một không gian chật hẹp, không được tiếp xúc với gia đình, người thân cộng với các thông tin tiêu cực về tình hình dịch bệnh dễ khiến họ lo lắng, bất an, muốn ra ngoài hoặc về quê. Tâm lý này ban đầu chỉ xuất hiện ở một và người nhưng sau đó sẽ ảnh hưởng đến cả tổ, nhóm, thậm chí toàn bộ lao động ở lại. Những lúc này nếu doanh nghiệp ép buộc họ ở lại sẽ khiến tình hình càng thêm căng thẳng”, ông Hiến chia sẻ.

Để tạo sự linh hoạt cho người lao động, Bidrico cho phép những công nhân muốn về nhà được nghỉ phép 7 ngày hoặc 11 ngày nhưng phải tuân thủ việc cách ly và xét nghiệm COVID-19 trước khi quay lại nhà máy làm việc. Với cách làm này, một tháng qua chỉ có hơn 20 trường hợp trong tổng số gần 400 người đang sản xuất “3 tại chỗ” đăng ký nghỉ phép. Công suất nhà máy không bị ảnh hưởng nhưng vẫn giải tỏa được tâm lý cho người lao động.

Hình thức nghỉ phép này cũng gần giống với phương án sản xuất “3 tại chỗ theo kíp” mà Thành phố đề ra và đang tạo được sự đồng thuận của người lao động. Do vậy, trong 1 tháng tới, Bidrico vẫn duy trì phương án “3 tại chỗ” như hiện nay để hoạt động liên tục.

Linh hoạt các phương án để đảm bảo sản xuất an toàn

Ngoài hai phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm", hiện nay, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể tổ chức theo phương án "3 tại chỗ theo kíp: luân phiên theo kíp” hoặc "4 xanh gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh”. Đây được xem là các giải pháp giúp các doanh nghiệp linh động hơn trong việc duy trì, khôi phục sản xuất thực hiện “mục tiêu kép” trong thời gian Thành phố tiếp tục giãn cách xã hội.

Ông Trương Tiến Dũng cho biết, trong một tháng qua, lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng làm, cùng ăn, cùng ở lại với người lao động, chia sẻ và chăm lo tốt nhất để họ cảm thấy an toàn, yên tâm sản xuất.  Nhờ đó, tinh thần của người lao động làm việc tại chỗ vẫn rất tích cực, sẵn sàng cùng doanh nghiệp tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” trong thời gian tới.

Song song đó, Công ty chuẩn bị từng bước thực hiện thêm phương án “4 xanh” để có thể mở rộng sản xuất cho nhiều công nhân hơn, nâng cao công suất lên 70-80%, đáp ứng các đơn hàng quan trọng, phục vụ xuất khẩu ở những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc thực hiện “4 xanh” không đơn giản bởi khi cho phép nhân viên ra khỏi công ty, khả năng kiểm soát an toàn dịch bệnh sẽ không thể cao như ở tại chỗ.

Để thực hiện “4 xanh”, ngoài việc người lao động phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm định kỳ còn phải đảm bảo nơi ở của người lao động (nhà riêng, nhà trọ, khách sạn…) cũng duy trì được sự an toàn và là vùng xanh. Doanh nghiệp cũng phải tổ chức đưa đón, giám sát lịch trình của người lao động một cách chặt chẽ.

Theo nhiều doanh nghiệp, để đảm bảo thực hiện “4 xanh”, đòi hỏi không chỉ sự tham gia của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào sự phối hợp của địa phương nơi người lao động cư trú và mức độ kiểm soát, mở rộng vùng xanh trong các khu dân cư của Thành phố.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ chí Minh cho biết, do yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ” và giãn cách, phần lớn doanh nghiệp ngành chế biến gỗ chỉ tổ chức sản xuất cho 30-50% tổng số lao động dẫn đến sản lượng sản xuất giai đoạn sắp tới sẽ giảm đang kể. Nhiều doanh nghiệp không đủ hàng để giao cho các đơn xuất khẩu phải tìm cách thương lượng với đối tác.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thêm các phương án sản xuất mới như “3 tại chỗ theo kíp” hoặc “4 xanh” có thể tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp duy trì và mở rộng quy mô sản xuất hơn trước. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn thật cụ thể về tiêu chí “4 xanh” cũng như quy định rõ vai trò và phạm vi trách nhiệm của các bên, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả của các phương án duy trì sản xuất.

Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên giữ vai trò ban hành khung pháp lý và công nhận các mô hình vận hành an toàn; hướng dẫn quy trình xử lý, tách F0 khỏi doanh nghiệp, điều trị và cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi đã khoanh vùng, xử lý ca mắc. Doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quản trị thông tin y tế của người lao động, tổ chức mô hình y tế tại chỗ, tuân thủ các tiêu chí hoạt động an toàn đã đăng ký, thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người và khai báo y tế kịp thời. Người lao động phải cam kết tuân thủ 5K cả nơi làm việc và nơi ở, quy định của doanh nghiệp, chính quyền về nguyên tắc phòng chống dịch; tuân thủ cung đường di chuyển an toàn, hợp tác xét nghiệm định kỳ, cách ly y tế; khai báo những thay đổi bất thường về sức khỏe.

Vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là việc thống nhất các phương án kiểm soát dịch bệnh, tổ chức sản xuất giữa các địa phương trong khu vực, điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương vì rất nhiều doanh nghiệp có trụ sở, nhà máy ở nhiều địa bàn khác nhau, người lao động cũng phân tán ở nhiều địa phương. Do vậy, khi Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thực hiện “4 xanh” cần trao đổi, phối hợp với các địa phương để không gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp và người lao động.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, trong 17 khu chế xuất – khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 781 nhà máy/1.412 nhà máy đăng ký thực hiện "3 tại chỗ" với tổng số khoảng 51.000 công nhân, trong đó có 652 nhà máy đủ điều kiện hoạt động. Riêng Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có 76/85 nhà máy đang thực hiện “3 tại chỗ” với khoảng 10.000 công nhân viên, kỹ sư, chuyên gia.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, sau một tháng thực hiện “3 tại chỗ” nhiều doanh nghiệp đã “đuối sức” do chi phí phát sinh quá cao, người lao động bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị thay thế phương châm “3 tại chỗ” bằng “2 tại chỗ, một vùng xanh”. Cụ thể, công nhân “sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ” nhưng về ngủ nghỉ nơi “vùng xanh” là “khu an toàn”.

Với phương án này, doanh nghiệp phối hợp cùng chính quyền phường, xã và khu phố xây dựng “vùng xanh” làm nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khu nhà trọ, khách sạn... đã được sự khảo sát lựa chọn của doanh nghiệp nhằm đảm bảo thuận lợi đi lại bằng xe đưa đón tập trung. Doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với khu phố, khu nhà trọ, chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ, củng cố xây dựng “vùng xanh” có công nhân cư trú như một “khu an toàn” ngày càng bền vững. Chi phí hỗ trợ chắc chắn sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với các phương án khác nhưng công nhân có thể sinh hoạt thoải mái hơn.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không bị đình trệ, các doanh nghiệp đề xuất mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất chủ động tận dụng, cải tạo mặt bằng nhà xưởng còn bỏ trống, Nhà văn hóa lao động của khu, Trung tâm văn hóa công nhân... trang bị thêm trang thiết bị để thành “Bệnh viện dã chiến” hoặc “Khu thu dung phòng, chống dịch” nội khu nhằm chủ động giải quyết các trường hợp F0, F1 phát sinh tại các doanh nghiệp, nhà máy, khắc phục tình trạng trạng chỉ phát sinh một vài ca F0 là phải đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp, nhà máy sản xuất.
         
Bài cuối: Tạo “hậu phương” vững chắc cho “tiền tuyến”

Xuân Anh (TTXVN)
Mở rộng 'pháo đài xanh' an toàn với dịch COVID-19: Bài 2: Thiết lập, củng cố vùng an toàn
Mở rộng 'pháo đài xanh' an toàn với dịch COVID-19: Bài 2: Thiết lập, củng cố vùng an toàn

Các chốt bảo vệ “vùng xanh”, an toàn với dịch COVID-19 xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giúp người dân yên tâm hơn trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN