Chính sự nỗ lực không mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, màu xanh trên bản đồ COVID-19 của Thành phố đang ngày càng mở rộng dần, các khu vực “vùng đỏ”, “vùng cam” nguy cơ rất cao, nguy cơ cao từng bước được thu hẹp.
Làm sạch “vùng đỏ”
Để nhân rộng các “vùng xanh”, nhiều địa phương có đã tập trung, quyết liệt làm sạch “vùng vàng”, “vùng đỏ” và từng bước thiết lập thành vùng an toàn, nhất là trong bối cảnh toàn thành phố có thời điểm có tới hơn 6.000 điểm, khu vực phải phong tỏa, cách ly y tế do dịch COVID-19.
Ở những nơi đã từng có dịch, gia đình có người mắc COVID-19, người dân trong khu vực phong tỏa càng thấm thía hơn, sẵn sàng tình nguyện hoặc thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ thành quả sau khi đã được chuyển hóa thành “vùng xanh”.
Chị Vũ Thị Thu Hồng, ở hẻm 430 đường Cách mạng Tháng Tám (Phường 10, quận Tân Bình) cho biết, trước đây, khu vực này có ca mắc COVID-19 nên 35 hộ gia đình với gần 100 cư dân trong xóm bị phong tỏa, phải đi lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Từng trải qua 21 ngày sinh sống, hoạt động không vượt quá giới hạn của sợi dây phong tỏa, các gia đình càng trân trọng sự an toàn trước dịch bệnh và càng cố gắng hết sức để bảo vệ khu vực này an toàn sau khi không có ca nhiễm mới.
“Các gia đình trong xóm nhỏ này đều đồng tình và ủng hộ thanh niên lập rào chắn để hạn chế người qua lại giữ gìn an toàn cho khu vực. Nhiều anh chị em trong xóm còn tình nguyện thay chị Tổ trưởng Tổ dân phố bị cách ly do mắc COVID-19 xử lý các yêu cầu của chính quyền địa phương về an sinh xã hội, tiêm vaccine phòng COVID-19, cập nhật thông tin về tình hình về dịch bệnh tại địa phương, Thành phố cho cư dân”, chị Hồng cho biết.
Trước thời điểm Thành phố triển khai Chỉ thị 16, Quận 7 là địa phương có nhiều “vùng đỏ”, có thời điểm phải phong tỏa cả 3 phường, trong đó có số lượng rất lớn công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận. Chính vì thế, chính quyền địa phương quyết định tập trung xét nghiệm, bóc tách các ca F0, làm sạch dịch COVID-19 trong khu dân cư, chuyển thành “vùng xanh” giao lại cho người dân tự quản. Các phường như Bình Thuận, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây từng là vùng bị phong tỏa toàn bộ với hơn 115.000 dân, hiện chỉ còn 15 điểm phong tỏa nhỏ với hơn 15.000 dân. Số còn lại đã chuyển hóa thành “vùng xanh”. Quận 7 đã thành lập 76 chốt bảo vệ “vùng xanh” ở 7 phường không phong tỏa.
Tại quận Phú Nhuận, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã thực hiện nhiều giải pháp để chuyển “vùng đỏ” thành “vùng vàng” và hướng đến xây dựng “vùng xanh” theo quy trình, sau khi hoàn thành thời gian phong tỏa. Trên địa bàn quận Phú Nhuận, 94 khu đã chuyển hóa thành “vùng xanh", an toàn từ 177 khu bị phong tỏa. Theo UBND quận Phú Nhuận, để đạt kết quả trên, quận đã huy động toàn bộ lực lượng đến từng ngõ hẻm, nhất là những khu vực mật độ dân cư đông, các khu nhà trọ nắm bắt tình hình. Hiện 17/17 phường đã tăng cường phát thanh, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; vận động mỗi gia đình, khu phố tự bảo vệ bằng cách nhà cách nhà, khu phố cách khu phố.
Ở huyện Bình Chánh, chiến dịch “Nở hoa trong vùng dịch” được triển khai đã góp phần mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn. Đến nay 799 tổ nhân dân, tổ dân phố, 8 xã, thị trấn đã đăng ký mở rộng “vùng xanh”. Trong đó, xã Bình Lợi từ khi có 120 ca dương tính, đến nay không còn ca F0 nào trong cộng đồng và được ghi nhận là xã đầu tiên đạt “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19 của huyện.
Để từng bước khống chế, hạn chế các ca nhiễm mới, các địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện các biện pháp truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, triển khai công tác điều trị phù hợp, đồng thời từng bước làm sạch địa bàn để không còn nguồn lây nhiễm tại chỗ cũng như từ bên ngoài xâm nhập vào. Mặt khác, các địa phương thực hiện phương án tổ chức tiêm vaccine cho người dân để từng bước củng cố “vùng xanh”, vùng an toàn. Nhiều địa phương đã tổ chức các điểm tiêm vaccine lưu động, trong khu phong tỏa.
Là một trong những địa phương đi đầu trong nỗ lực làm sạch “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, thành phố Thủ Đức đã xây dựng phương án với 5 giải pháp cơ bản gồm tìm vùng nguy cơ cao; khoanh vùng - xét nghiệm; tìm F0 liên quan để điều trị; tiêm phòng vaccine; thiết lập vùng an toàn, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết: "Chúng tôi tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các khu vực nguy cơ, khu vực phong tỏa. Những khu vực này sau khi người dân được tiêm sẽ trở thành "vùng xanh". Người dân tham gia tự quản và duy trì "vùng xanh" trong thời gian tới".
Từ thực tiễn triển khai các giải pháp thiết lập "vùng xanh", ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức cho rằng, để thiết lập “vùng xanh” an toàn cần phải trải qua quy trình chặt chẽ. Cụ thể, khu vực có ca dương tính lập tức khoanh vùng, nếu ít sẽ phong tỏa, cách ly y tế, nếu rộng sẽ phong tỏa tạm thời toàn khu vực, sau đó tiến hành xử lý y tế, truy vết, test nhanh tiến tới xác định vùng phong tỏa và giám sát y tế chặt chẽ. Thời gian thực hiện khoanh vùng từ 12 - 14 ngày, sau đó tiến hành test đại diện một số hộ xung quanh ca dương tính, nếu âm tính 2 lần sẽ gỡ phong tỏa, tiến hành tiêm vaccine và sau đó xác nhận “vùng xanh”, vùng an toàn, thành lập tổ tự quản để hạn chế không cho người lạ ra vào, giữ vững không để tái nhiễm.
“Hiện nay, phường Phú Hữu có hơn 20 “vùng xanh”, an toàn. Để cung ứng, hỗ trợ người dân trong “vùng xanh”, tổ thanh niên tự nguyện với sự hướng dẫn nghiệp vụ của Cảnh sát khu vực, Công an phường sẵn sàng đi chợ, mua thuốc giùm cho người dân có nhu cầu, thậm chí nhận hàng từ các shipper để đưa tận tay người dân sau khi khử khuẩn an toàn”, ông Nguyễn Đình Trí chia sẻ thêm.
Thành phố Hồ Chí Minh đang tận dụng thời gian tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến ngày 6/9 để khẩn trương truy vết, từng bước làm sạch, thu hẹp các “vùng đỏ”, “vùng cam”. Thành phố tận dụng những ngày đầu thực hiện 2 triệu mẫu xét nghiệm cho tất cả người dân trong các vùng này để nhanh chóng bóc tách F0 ra cộng đồng, khoanh vùng điều trị, đồng thời có thông tin để đánh giá tình hình dịch tại Thành phố, qua đó có biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Mở rộng “vùng xanh”
Nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thiết lập vùng an toàn, đảm bảo an sinh xã hội, không còn F0 trong khu vực trọng điểm, cộng đồng dân cư; bàn giao cho khu phố, tổ dân phố, hệ thống chính trị ở các phường, xã, thị trấn, đồng thời xây dựng phong trào tự quản bảo vệ vùng an toàn; cam kết tự quản và chịu trách nhiệm toàn diện trong tổ chức tự quản giữ vững địa bàn an toàn.
Tại thành phố Thủ Đức, 34 phường đã đồng loạt triển khai mô hình Khu phố, tổ dân phố an toàn, không còn COVID-19 nhằm thiết lập các khu vực an toàn, quyết tâm bảo vệ "vùng xanh". Những chốt bảo vệ sẽ do người dân ngay tại khu phố, phối hợp cùng lực lượng đoàn viên, cựu chiến binh túc trực canh gác từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày để kiểm soát người ra vào khu vực, ngăn không cho người lạ, shipper vào khu dân cư nhằm bảo vệ sự an toàn phòng dịch bên trong chốt.
Người dân trong khu phố, khi ra vào phải xuất trình giấy tờ và chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu 2 lần/tuần, sử dụng phiếu do chính quyền địa phương cung cấp.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức cho biết, việc thiết lập, duy trì và bảo vệ “vùng xanh” là hết sức cần thiết nhằm phát huy tính tự giác, cộng đồng của người dân. Với tình hình dịch bệnh lan rộng như hiện nay, nếu chỉ dựa vào chính quyền, lực lượng y tế, công an, quân đội, cán bộ công chức của phường sẽ không đủ để trải rộng nhiều khu vực trên địa bàn. Hơn nữa, việc chống dịch phải được xem là nghĩa vụ của người dân cùng thực hiện với chính quyền.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng do người dân trong “vùng xanh” lập để tự quản lý, nêu cao tính tự giác. Hàng xóm, láng giềng nhắc nhở nhau sẽ hiệu quả hơn là dùng biện pháp xử phạt hành chính và chắc chắc mô hình này sẽ phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới. Đây cũng là chiến lược phù hợp của Thành phố trong giai đoạn hiện nay.
“Địa bàn phường Hiệp Bình Chánh hiện có 23 khu an toàn, “vùng xanh”. Đối với những khu vực nguy hiểm, phường đang xét nghiệm sàng lọc, tổ chức tiêm vaccine cho người dân để thành lập tiếp các khu vực an toàn, chắc chắn sẽ mở rộng thêm được nhiều “vùng xanh"”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.
Tính đến nay, quận Bình Thạnh có 167 điểm thực hiện mô hình “vùng xanh an toàn” tại 20 phường và có gần 500 thành viên do Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn thể, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, khu phố, tổ dân phố và hộ dân tự quản đảm nhiệm phụ trách.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Ban Tuyên giáo Quận ủy Bình Thạnh cho biết, hoạt động của các lực lượng tham gia trực chốt tại các khu vực an toàn bước đầu mang hiệu quả. Các địa phương phân công trực đều bố trí xen kẽ thành viên tổ chức đoàn thể với người dân khu vực sinh sống lâu năm để nắm rõ người trong xóm, hẻm, nắm lộ trình người ra, vào trong khu vực "vùng xanh", an toàn.
“Về cơ bản các địa phương từng bước siết chặt khoanh vùng an toàn, vùng xanh và dần dần nới rộng để có một gam màu tươi sáng hơn. Tuy nhiên, số điểm là vùng xanh, an toàn trong quận có thể thay đổi hàng ngày do sự biến động từ các điểm là “vùng vàng” chuyển sang “vùng xanh” hay “vùng đỏ” chuyển sang “vùng vàng” sau khi có quyết định kết thúc phong tỏa và ngược lại”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết.
Ở góc độ toàn thành phố, đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các tổ dân phố, khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố tích cực tổ chức nhân rộng "vùng xanh" an toàn, không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.
Đến nay, Thành phố đã có 10.248 “vùng xanh”. Đây là mô hình vừa góp phần nâng cao ý thức của nhân dân vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bài 3: “Vùng xanh” cho sản xuất