Mở rộng 'pháo đài xanh' an toàn với dịch COVID-19: Bài 1: Giữ vững 'vùng xanh'

Thành phố Hồ Chí Minh đang là tâm dịch COVID-19 của cả nước với hàng nghìn ca mắc mỗi ngày. Để từng bước khống chế lây lan của dịch, cùng với nhiều giải pháp mạnh, nhiều nơi tại thành phố đã triển khai mô hình xây dựng, củng cố, mở rộng các “vùng xanh” - khu vực an toàn không có dịch hoặc đã làm sạch virus SAR-CoV-2 để làm cơ sở từng bước ngăn chặn sự lây lan, kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp, khu vực sản xuất đã xây dựng các “pháo đài xanh” vững chắc để duy trì hoạt động sản xuất, góp phần đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. 

Chú thích ảnh
Chính quyền địa phương và nhân dân Quận 5 lập rào chắn bảo vệ “vùng xanh”, không cho người lạ vào khu vực an toàn. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bài 1: Giữ vững “vùng xanh”

Từ thực tế nhiều khu dân cư xuất hiện các ca nhiễm SAR-CoV-2 và lây lan rộng do công tác quản lý địa bàn không được chặt chẽ, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương, nhất là các khu phố, đã triển khai mô hình giữ vững, mở rộng các “vùng xanh”, an toàn với dịch COVID-19 do các lực lượng, người dân tại chỗ tham gia, hình thành các tổ tự quản, thay nhau túc trực, canh gác ở các điểm chốt vào khu dân cư.

Sẵn sàng vì cộng đồng khỏe mạnh

Với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài”, việc tổ chức mô hình giữ vững “vùng xanh” đã được củng cố và nhân rộng. Qua đó, từng bước góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, không có dịch COVID-19.  

Đi dọc tuyến đường Cách mạng tháng Tám, từ ngã 6 Công trường Dân Chủ (giữa Quận 3 và 10) đến cuối Ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) có thể thấy hàng trăm hẻm có chốt canh gác, rào chắn. Hầu hết các con hẻm đều do người dân trong khu vực tự quản, thiết lập “vùng xanh”. Tất cả đều cùng mục đích không cho dịch COVID-19 xâm nhập, bảo vệ an toàn cho cộng đồng dân cư trong hẻm. 

Tiếp nhận phiên gác buổi trưa gắt nắng vào một ngày tháng 8 tại đầu hẻm 410 Cách mạng Tháng Tám (Phường 10, Quận 3), anh Huỳnh Ngọc Hải cho biết, thanh niên trẻ khỏe, thức giấc muộn nên ra trực lúc này cũng vừa kịp và cũng vừa “gánh” cho các cô chú hay chị em tránh nắng nóng. “Trong thời gian giãn cách xã hội, dịch bệnh diễn biết phức tạp, làm được gì có lợi để bảo đảm an toàn phòng dịch cho người dân trong khu phố, cho cộng đồng, ai cũng sẵn sàng. Đôi khi, việc xung phong đó còn tạo ra mối gắn kết, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, khơi gợi lại tình làng, nghĩa xóm mà bấy lâu nay nơi phố thị cứ nhạt dần”, anh Hải chia sẻ.

Ngược lại, do lớn tuổi, chú Nguyễn Văn Phiêu trực chốt “vùng xanh” ở đầu hẻm 308 đường Cách mạng Tháng Tám (Phường 10, Quận 3) thường chọn trực buổi sáng sớm, tranh thủ vận động một chút khi trời còn mát. Mỗi ca trực bình quân khoảng 1 - 2 tiếng, cư dân trong khu chuẩn bị chai nước, cái bánh, hỏi thăm, động viên nên cũng thấy không khí đoàn kết, đồng lòng vì việc chung, sự an toàn của cộng đồng. “Ngày thường cả xóm vắng hoe, nhà ai nấy ở, mạnh ai nấy làm; con cháu còn ít gặp huống chi hàng xóm. Đôi khi giãn cách thế này cũng hay, con cháu thường xuyên ở nhà quây quần. Bà con lối xóm đoàn kết, gần gũi chia sẻ với nhau hơn”, chú Phiêu hào hứng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiệm, nhà ở hẻm 232/20, Tổ phó Tổ dân phố 50A, Khu phố 5, phường Hiệp Thành, Quận 12 chia sẻ, hiện nay, khu vực hẻm 232/20 đang là “vùng xanh”, an toàn. Những người dân trong hẻm tự giác, tự ý thức việc chấp hành quy định phòng, chống dịch, “nhà cách ly với nhà”, không ra khỏi hẻm khi không có việc cần thiết. Mọi người nhắc nhở nhau giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, không tụ tập cũng như nhắc nhở, hạn chế người lạ ra vào để giữ an toàn chung.

Tại điểm chốt của hẻm 26 đường Lê Văn Duyệt (Phường 1, quận Bình Thạnh), anh Bô Đức đang hướng dẫn người giao hàng liên lạc người đặt hàng trong "vùng xanh" ra nhận. Sau đó, anh chỉ quan sát cả hai bên giao, nhận thực hiện đúng nguyên tắc phòng dịch theo quy định 5K và cũng không quên phun khử khuẩn trước khi họ rời điểm chốt. Với thâm niên hơn 55 năm sinh sống tại khu vực này, anh Đức nắm rõ từng nhà và từng người trong con hẻm 26. Có lẽ vì điều đó, ca trực 4 tiếng hết sức nhẹ nhàng, song anh  kiên quyết không cho người lạ hay người ở hẻm kế bên muốn đi tắt qua khu vực này.

Kinh nghiệm qua gần 2 tháng trực chốt, anh Đức cho biết, ngoài các lực lượng tình nguyện như Đoàn Thanh niên, cán bộ phường luân phiên thay đổi, cần có người sinh sống ở trong khu phố, hẻm sẽ giúp dễ quan sát và thuận lợi hơn trong quá trình cần xử lý tình huống phát sinh ngoài ý muốn. “Xung phong tình nguyện ở chốt gác này, nhiều người còn có thể giúp các hộ gia đình neo đơn, người già khi cần mang vác hoặc mua giúp đồ dùng cho cư dân để họ yên tâm ở nhà”, anh Đức chia sẻ.

Theo ghi nhận, tại các chốt bảo vệ "vùng xanh", mọi giao dịch đều được người bên trong lẫn bên ngoài thống nhất thực hiện ngay tại điểm chốt, chấp hành nghiêm túc các quy định 5K. Tại nhiều điểm chốt, nhiều người không chỉ thấy thanh niên tình nguyện, công nhân tạm thời ngưng việc do thực hiện Chỉ thị 16 mà còn thấy các cựu chiến binh, cán bộ hội phụ nữ thay phiên, động viên nhau trực chốt, thể hiện sự nhất trí, đồng lòng, quyết tâm cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ “cứ điểm xanh”.

Dựng tấm chắn “phòng vệ” trước dịch 

Khu vực Cư xá Đô Thành, Phường 4 (Quận 3) thông nhau như ô bàn cờ, việc thiết lập “vùng xanh” rộng, nhiều điểm chốt, vất vả và cần phải có nhiều người trực hơn. Tham gia trực chốt cùng nhiều anh em tình nguyện trên đường Vườn Chuối ngay từ đầu tháng 7, anh Lê Văn Út cho biết, việc lập các chốt chặn trong khu này được người dân đồng thuận rất cao. Mỗi ca trực có khi 4 - 5 người/điểm và kéo dài 3 - 4 tiếng nhưng anh em luôn sẵn sàng nhận “nhiệm vụ”.

“Khó khăn ban đầu là phải thường xuyên trao đổi, nói rõ với những người đến liên hệ hoặc giao hàng bên trong khu vực xanh, an toàn. Sau thời gian ngắn, dần dần công việc đó cũng được nhiều người bên trong lẫn bên ngoài đồng tình, chia sẻ nên tương đối thuận tiện. Thậm chí, nếu anh em trực biết rõ nhà đó, sẵn sàng vận chuyển giúp đến tận nhà”, anh Lê Văn Út chia sẻ.

Tương tự, tại hẻm 291 Võ Văn Tần hay hẻm 1074 Trường Sa, Quận 3, nhiều người dân, người có đạo ý thức cao và có trách nhiệm trong việc xung phong, tình nguyện tham gia các chốt trực để bảo vệ “vùng xanh”, bảo vệ sự an toàn cho bà con lối xóm cũng như cho chính bản thân và gia đình trước đại dịch COVID-19.

 Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Võ Văn Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 3 cho biết, hiện, Quận phân các vùng và giao cho Cảnh sát khu vực quản lý, chịu trách nhiệm. Phân vùng và gắn trách nhiệm của Cảnh sát khu vực với hệ thống chính trị cơ sở để đảm bảo sự thống nhất, qua đó xây dựng các giải pháp giải phóng vùng phong tỏa cụ thể, xây dựng các tổ tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 để thiết lập các “vùng xanh” vững chắc.

Theo ông Đức, Quận đã ban hành các văn bản chỉ đạo là xây dựng các nội quy, vận động người dân tự nguyện tham gia  trực tại các chốt chặn để giữ vững “vùng xanh”; đồng thời, tiến hành tiêm vaccine cho người dân để giữ chặt “vùng xanh” đó. Ngoài ra, các địa phương tăng cường kiểm soát “vùng đỏ”, “vùng vàng” để từ đó tập trung xử lý, chuyển các vùng này sang thành “vùng xanh”.

Để mở rộng “vùng xanh”, người dân ở nhiều khu phố, tổ dân phố, nhất là giữa các hẻm thông nhau đã liên kết để nâng cao hiệu quả trực chốt, tăng cường quân số tham gia bảo vệ. Nhiều địa phương đã rào “cứng” một số tuyến đường ngang nhằm hạn chế người và phương tiện lưu thông trong các vùng.

Tại xã “vùng xanh” Thạnh An, huyện Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh An cho biết, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, các lực lượng phòng, chống dịch, cố gắng giữ bản đồ vùng xanh, không có dịch COVID-19 bằng việc lập 10 chốt chặn trên sông, trên bộ, với sự tham gia của lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, cán bộ xã, ấp; đồng thời hướng dẫn bà con thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch.

 Đối với việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”, Thiếu tá Bao Minh Tiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết, Đồn đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch và tiến hành tuần tra, kiểm soát trên biển. Đơn vị đã phối hợp với địa phương thành lập 7 chốt từ ấp đảo Thiềng Liềng đến trung tâm xã Thạnh An, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện trên địa bàn, góp phần quan trọng vào việc giữ vững “vùng xanh”, không để có ca nhiễm trên địa bàn xã. Các lực lượng tham gia làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo mọi người lên đảo đều phải kê khai y tế, test nhanh.

Ghi nhận tại các điểm chốt và từ người dân ở các “vùng xanh” cho thấy, điều quan trọng nhất trong việc đảm bảo an toàn trước dịch COVID-19 là mỗi người, mỗi gia đình cần hiểu đúng, hiểu đủ và phải chia sẻ, thông cảm vì lợi ích chung. Mỗi người cần thực hiện tốt các khuyến cáo, quy định của Thành phố, ngành Y tế, để giữ cho bản thân mình, cho gia đình luôn được an toàn. Từ đó, công tác phòng, chống dịch mới đạt được hiệu quả, Thành phố sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Bài 2: Thiết lập, củng cố vùng an toàn

Anh Tuấn - Thanh Vũ - Xuân Tình (TTXVN)
Bạc Liêu quyết tâm giữ 'vùng xanh' để ổn định đời sống người dân
Bạc Liêu quyết tâm giữ 'vùng xanh' để ổn định đời sống người dân

Ngày 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu đã họp để nắm tình hình và đưa ra hướng xử lý chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 liên quan Công ty Tài chính F88, chi nhánh Bạc Liêu (có địa chỉ ở số 43, đường Trần Phú, Phường 7, thành phố Bạc Liêu).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN