Ngày 31/8 hầu hết các điểm trường ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Tại huyện Kỳ Sơn nước ngập, sạt lở, cột điện bị hư hỏng nên điện lưới vẫn bị mất trên diện rộng. Ngành Điện lực đang tập trung nhân lực, phương tiện để nước rút là có thể bắt tay vào khắc phục, sớm cung cấp điện trở lại cho người dân.
Tại huyện Con Cuông, sạt lở xuất hiện ở phía thượng lưu cầu Chôm Lôm, xã Lạng Khê. Đây là cây cầu nhân ái được xây dựng từ sự đóng góp của đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài nhằm giúp người dân qua sông an toàn, sau khi xảy ra vụ chìm đò ngày 7/10/2006 tại bến Chôm Lôm làm 19 học sinh tử vong.
UBND huyện Con Cuông đã huy động hàng trăm dân quân tự vệ cùng với người dân tập trung gia cố kè đá chống sạt lở tại chân cầu Chôm Lôm, tuy nhiên do phía thượng lưu cầu bị sạt lở nặng, không an toàn nên lực lượng chức năng huyện Con Cuông đã tiến hành rào chắn, cắm biển cấm người và phương tiện qua cầu Chôm Lôm, chờ nước rút, lũ qua sẽ lên phương án sửa chữa, gia cố lại để đảm bảo an toàn.
Tại huyện Tương Dương đến chiều 31/8 đã có ít nhất 150 căn nhà bị ngập nước, 5 nhà bị lũ cuốn trôi; trường mầm non xã Thạch Giám (huyện Tương Dương) bị ngập sâu trong nước.
Ở nhiều huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An, các tuyến đường huyết mạch bị sạt lở, hư hỏng, ngập nước gây ách tắc giao thông. Tuyến Quốc lộ 7 (là tuyến đường nối từ quốc lộ 1A lên các huyện miền núi, như Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn) bị ngập nước, sạt lở hoặc đất đá từ trên núi đổ xuống tại nhiều vị trí gây ách tắc kéo dài; hàng trăm phương tiện không thể qua lại.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, trong ngày và đêm 31/8 tại Nghệ An vẫn còn nhiều khu vực có thể xảy ra lũ quét, sạt lở. Đơn cử, huyện Kỳ Sơn có 20 xã được cảnh báo lũ quét, sạt lở có thể xảy ra; huyện Tương Dương có 14 xã được cảnh báo; huyện Con Cuông có 6 xã trong diện cảnh báo. Tuyến Quốc lộ 7 đoạn từ Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) đến thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông) cũng được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, ngập nước ở nhiều vị trí.
Hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang được các huyện miền núi tích cực triển khai với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và người dân. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An yêu cầu các huyện tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống thiên tai nói chung, phòng chống sạt lở đất đá, lũ quét nói riêng; tăng cường thời lượng phát các bản tin cảnh báo, dự báo và các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai đến các thôn, bản và người dân.
Ngày 31/8, tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh đầu tư tăng dày các trạm thủy văn, khí tượng phục vụ cảnh báo sớm thiên tai; hỗ trợ tỉnh xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Cả gắn với xả lũ thủy điện.
Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh 630 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão lũ và bố trí đủ vốn cho các dự án xây dựng cơ bản liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, phục vụ phân luồng giao thông khi có mưa lũ xảy ra.