Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết: Ngày 30/8, địa bàn huyện Tương Dương đã có ít nhất 15 nhà bị ngập và 15 nhà khác đang có nguy cơ bị sụt lún, sạt lở phải khẩn cấp di dời; huyện Con Cuông có 13 nhà bị ngập…
Quốc lộ 7A đoạn qua xã Tam Quang (huyện Tương Dương) có đoạn bị ngập sâu từ 0,3 m đến 0,5 m, dài 10 m đến 20 m. Quốc lộ 16 đoạn qua xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) từ 15 giờ ngày 30/8 ngập sâu 0,8 m và đoạn qua xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) xuất hiện nền, mặt đường lún, nứt, ta luy âm nền đường bị hỏng, dãy nứt ăn sâu vào mặt nhựa đường 1 m, khe hở rộng 15 cm, rất nguy hiểm khi qua lại.
Quốc lộ 48 E chiều 30/8 xuất hiện 2 vị trí ngập tại đoạn qua xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn) ngập 0,8 m và đoạn qua xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn) ngập 1,3 m. Đường tỉnh lộ 534B đoạn qua xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn) ngập 1,5 m; tỉnh lộ 543B đoạn qua xã Xá Lượng và xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) ngập 0,5 m.
Nguyên nhân chính của tình trạng ngập lụt bất thường tại một số huyện miền núi trong ngày 30/8 là do thời tiết có mưa cộng với một số nhà máy thủy điện trên địa bàn xả lũ khẩn cấp. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) đã buộc phải xả lũ với lưu lượng xả 2.670 m3/s. Nhà máy Thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) xả lũ với lưu lượng 3.105 m3/s. Nhà máy Thủy điện Chi Khê (huyện Quỳ Châu) xả lũ với lưu lượng 2.645 m3/s.
Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê là 3 nhà máy thủy điện lớn nhất hiện nay tại Nghệ An. Việc xả lũ của các nhà máy này gây ảnh hưởng lớn đến nhiều bản làng ở các huyện miền núi và vùng hạ du.
Ngày 30/8, thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã họp khẩn để bàn về phương án vận hành hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiêm Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê vận hành cắt giảm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình.
Tỉnh Nghệ An khẩn cấp yêu cầu các địa phương rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Chiều 30/8, các ngành chức năng trên địa bàn các huyện miền núi đã hỗ trợ người dân và các trường học di dời tài sản, sách vở, đồ dùng học tập tránh xa khu vực ngập lụt.