Ngày 11/3, ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho biết, trên sông Hậu, tại Cảng Cái Cui, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ từ ngày 5/3 đến nay nồng độ mặn đo được luôn trên mức 2.000 mg/l.
Cụ thể, ngày 5/3 nồng độ mặn đo được là 2.059 mg/l và ngày 8/3 đo được là 2.028 mg/l. Từ đó đến nay độ mặn luôn vượt ngưỡng nước uống, trên 2,5 mg/l.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ từ trước đến nay chưa từng bị mặn xâm nhập, nước luôn trong tình trạng ngọt. Với tình hình khô hạn dự báo còn kéo dài, chắc chắn thành phố Cần Thơ sẽ bị mặn xâm nhập sâu hơn và có thể nặng nề hơn.
Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ không nên tiếp tục duy trì trồng lúa mà cần có các giải pháp hiệu quả chuyển sang các loại cây tiết kiệm nước nhiều hơn. Cũng như chính quyền cần có nhiều chính sách hơn hỗ trợ nông dân trong giai đoạn đầu chuyển đổi.
Đặc biệt, cần áp dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm, hiệu quả hơn. Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng đang khuyến cáo các địa phương, đơn vị tăng cường lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn thành phố để tận dụng tối đa nguồn nước ngọt. Đồng thời, yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo các phường, xã, các đơn vị quản lý khai thác và các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung chủ yếu, như: tổ chức kiểm tra, giám sát mặn thường xuyên; tổ chức thăm đồng, kiểm tra các đê bao, cống đập nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp đột xuất do mặn xâm nhập.
Cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp lấy nước và trữ nước vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng.
Đồng thời, vận hành tối đa các phương tiện lấy nước để tưới cho cây trồng và cấp nước phục vụ dân sinh. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp với các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan tranh thủ lấy nước và quản lý nước chặt chẽ, hiệu quả.