Trong những ngày qua, tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản lượng ngành lúa gạo trong năm 2016. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 2/2016, diện tích vụ lúa đông xuân ở khu vực này có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán trên 340.000 ha, chiếm 21,9% của toàn vùng; trong đó diện tích đã bị ảnh hưởng nặng lên đến 104.000 ha.
Giá lúa đông xuân ở Ninh Thuận sớm tăng cao.Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Trước những thông tin này, tại khu vực ĐBSCL, giá lúa gạo đang có xu hướng tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Theo anh Nguyễn Công Trị, nông dân trồng lúa ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, do nhận định sẽ thiếu lúa nên nhiều nhiều nông dân ở đây đã tự động tăng giá bán cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, có một nghịch lý xảy ra trong ngành lúa gạo, đó là loại lúa gạo người dân đang thu hoạch không phải là loại gạo xuất khẩu chính hiện nay. Nguyên nhân là do nhu cầu của các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam chủ yếu là gạo cấp thấp và trung bình (như gạo IR50404).
Trong khi đó, ở nhiều cánh đồng lúa chủ lực lại chỉ tập trung sản xuất gạo thơm, gạo nếp. Trên thực tế, do nhu cầu ít hơn nên giá gạo thơm nhẹ đang được cào bằng ngang với gạo IR50404 mà đầu ra chưa ổn định; còn những người trồng IR50404 lại trúng mùa, trúng giá và đầu ra được thương lái thu mua hết.
Anh Nguyễn Công Trị cho biết thêm, từ đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân đến nay, loại lúa đang bán chạy nhất là IR50404, còn “thảm nhất” là gạo thơm Jasmine. Mặc dù loại lúa Jasmine nông dân vẫn bán được trên thị trường, nhưng có giá bán khá thấp. Nếu không có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp nông dân chỉ bán ở mức giá gần tương đương với các loại gạo cấp thấp khác. |
Giải thích thêm về đợt tăng giá lần này, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, với hàng trăm diện tích lúa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn hiện nay sẽ tác động khá lớn đến năng suất, sản lượng lúa gạo ở khu vực ĐBSCL. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng ở riêng vụ đông xuân này mà có thể tác động xấu đến vụ hè thu và xuân hè kế tiếp. Vì vậy, khi vào vụ thu hoạch, giá lúa gạo đã được nâng cao hơn. So với trước Tết, lúa IR50404 tại ruộng ở Bến Tre có giá 4.400 - 4.500 đồng/kg, nay đã lên 4.600 - 4.650 đồng/kg.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, tình trạng xâm nhập mặn hiện nay tại khu vực ĐBSCL đang đặt ra yêu cầu rất cấp bách trong việc theo dõi, bám sát và đánh giá cụ thể, cập nhật về tình hình mùa vụ, sản xuất để đảm bảo cân đối đúng thực tế sản lượng lúa gạo hàng hóa, phục vụ công tác điều hành. Với tình hình xâm nhập mặn hiện nay, một vài doanh nghiệp đang cân nhắc việc ký hợp đồng mới, do lo lắng phải đền hợp đồng khi sản lượng gạo không đảm bảo.
Ngoài yếu tố tâm lý liên quan đến xâm nhập mặn, ông Lâm Anh Tuấn cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng đang tập trung mua vào, do lượng tồn kho năm trước chuyển sang hầu như không còn cũng khiến giá lúa gạo rục rịch tăng.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết thêm, giá gạo trong nước tăng một phần cũng do các doanh nghiệp đang phải gom đủ hàng để hoàn thành hợp đồng cung ứng cho Indonesia và Philippines. Trong khi đó, diện tích lúa thu hoạch vụ đông xuân ở khu vực ĐBSCL hiện còn ít, nhiều cánh đồng lúa chủ lực chưa vào chính vụ thu hoạch. Đồng thời, phía Indonesia, Philippines, Trung Quốc cũng đang có động thái muốn mua thêm gạo dự trữ đề phòng El Nino nên khiến giá gạo tăng lên.