Hơn 340.000 ha lúa có nguy cơ nhiễm mặn
Bạc Liêu là một trong 8 tỉnh ven biển (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Cuối tháng 1/2016, tại Bạc Liêu xảy ra sự cố vỡ cống phân ranh mặn ngọt tại khu vực 3 ấp: Long Đức, Phước Thành và Nội Ô (thị trấn Phước Long) khiến nước mặn tràn sâu vào vùng ngọt ổn định chuyên sản xuất lúa.
Kênh nội đồng ở xã Phong Tân (Bạc Liêu) sắp hết nước trong khi lúa mới gieo sạ được vài ngày. |
Nông dân Hữu Nghiệm, ấp Bình Thạnh A, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long (Bình Phước) cho biết, “Sự cố vỡ cống ngăn mặn khiến nước mặn tràn vào hệ thống kênh, nhiều ấp có nước bị nhiễm mặn. Nếu không có biện pháp kịp thời để ngăn mặn xâm nhập, thì hơn 2 ha lúa đang làm đòng của gia đình chúng tôi có nguy cơ mất trắng. Nhiều gia đình xung quanh đây cũng trong tình trạng tương tự”.
Về tình trạng trên ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phước Long cho biết, chúng tôi đang tiến hành các biện pháp để tạm thời ngăn mặn, hàng ngày huyện thông báo độ mặn trên các kênh để người nông dân biết cách xử lý, lấy nước. Sở Nông nghiệp đang cử người xuống để sửa chữa sự cố này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 ha lúa đông xuân đã xuống giống đang có nguy cơ thiếu nước và bị mặn xâm nhập, chủ yếu ở vùng trọng điểm lúa đông xuân của các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Bên cạnh đó, năm nay do nguồn nước ngọt từ sông Hậu về qua trục Quản Lộ - Phụng Hiệp giảm mạnh so với cùng kỳ, do đó trà lúa đông xuân sẽ có khả năng thiếu nước cuối vụ ảnh hưởng đến năng suất lúa là rất lớn.
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tìm các giải pháp điều tiết nước ngọt để cứu lúa. Sở NN&PTNT tỉnh mở cống Đá để lấy nước ngọt vào lần cuối, vận động nông dân tích cực bơm trữ nước, thường xuyên kiểm tra độ mặn ở vùng chuyên tôm vì hiện nay, nông dân chuẩn bị thả nuôi vụ tôm chính trong năm.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích xuống giống lúa vụ đông xuân 2015 - 2016 toàn vùng ĐBSCL là 1,55 triệu ha. Trong đó, diện tích gieo trồng của 8 tỉnh ven biển là 971.200 ha (chiếm 62,12%). 8 tỉnh này có diện tích lúa nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán gần 340.000 ha (chiếm 35,51 %). Trong đó diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là hơn 104.700 ha, (chiếm 10,90%).
Vừa qua, Cục Trồng trọt đã tiến hành kiểm tra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại 4 tỉnh (Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang). Kết quả kiểm tra cho thấy diện tích lúa bị hạn, mặn của 4 tỉnh khoảng 58.311 ha. Trong đó diện tích lúa thiếu nước tưới 10.691 ha; diện tích lúa thiếu nước tưới các tháng tiếp theo ước khoảng 47.620 ha.
Đảm bảo nước uống, bảo vệ sản xuất
Trước những diễn biến khó lường của khí hậu, hôm qua (17/2), tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần nhận thức được vấn đề nghiêm trọng của tình trạng xâm nhập mặn hiện nay để có những giải pháp xử lý kịp thời và mạnh mẽ. Tình trạng mặn đến sớm, kéo dài và diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh ĐBSCL là do mưa ít, nắng nóng, lũ thượng nguồn không về. Trước tiên, phải chủ động giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất đặc biệt đảm bảo cuộc sống nhân dân nhất là đảm bảo nước uống; biện pháp ngắn hạn kịp thời nhưng đồng thời phải có lộ trình, bước đi dài hơi và chủ động.
Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần chủ động phòng chống bằng nhiều giải pháp trong đó có các giải pháp quan hệ quốc tế như tập trung vốn ODA, tiếp tục đàm phán với các nước ở thượng nguồn sông Mê Công đang sử dụng chung nguồn nước. Sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách hiệu quả nhưng kịp thời, đặc biệt là huy động hệ thống chính trị vào cuộc với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Các bộ, ngành và địa phương cần triển khai các giải pháp chủ động phòng chống hạn mặn, thông tin dự báo và làm tốt công tác thông tin truyền thông cho nhân dân. Các địa phương tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình thực hiện các giải pháp phòng chống đảm bảo nhanh, hiệu quả và kịp thời.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay tới tháng 6/2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20 - 40% nên mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với TBNN. Trên sông Tiền, sông Hậu mặn có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 60 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016. Do đó các địa phương ở Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, các địa phương khẩn trương tăng cường việc lấy nước ngọt từ nay đến 22 - 25/2/2016 để tranh thủ trữ nước tối đa vào các hệ thống thủy lợi. Trước khi mở cống hoặc bơm lấy nước ngọt cần phải kiểm tra độ mặn để đảm bảo không lấy nước mặn quá mức cho phép vào đồng ruộng.
Ngoài ra, “cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống. Tổ chức đầu tư, đắp các đập tạm thời vụ để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. Chuẩn bị máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kênh mương, đồng ruộng khi có điều kiện thuận lợi”, ông Phát chỉ dạo thêm.
Còn theo Cục Trồng trọt, cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ hè thu 2016 và mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Thời vụ lúa hè thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5 điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL. Không xuống giống lúa xuân hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Về cơ cấu giống, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.