Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Do mực nước xuống mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua, hiện tượng xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm và diễn biến gay gắt, làm ảnh hướng lớn đến đời sống dân sinh của 9/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Trước buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát tại ấp Ba Rinh, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng - địa điểm giáp ranh giữa Hậu Giang và Sóc Trăng, nơi xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng, vào sâu trong vùng dân cư.
* Nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, xâm nhập mặn năm 2016 diễn ra sớm hơn 2 tháng so với thông thường và chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Đây cũng là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua dưới tác động của đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại.
Xâm nhập mặn đã ăn sâu vào đất liền tại khu vực các cửa sông: Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Lớn, trong đó khu vực sông Vàm Cỏ có phạm vi xâm nhập vào đất liền diễn ra nặng nề nhất, tới 90 – 93km, sâu hơn trung bình nhiều năm 10 – 15km. Tình trạng này đã gần như vô hiệu hóa khả năng lấy nước ngọt từ các khu vực cửa sông cách biển từ 30 – 45km, tiếp tục gây thiếu nước ngọt nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt. Hạn hán khiến nhiều khu vực trong tình trạng cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là hai cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 không phải là sự cố thời tiết nhất thời, mà mới chỉ là những dấu hiệu khởi đầu báo hiệu một quá trình diễn biến nặng nề hơn của biến đổi khí hậu. Đáng lo ngại là hiện tượng này sẽ còn lặp lại và có thể diễn ra ở mức nghiêm trọng hơn. Vì vậy, cần có biện pháp căn cơ, lâu dài để bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu sản xuất.
* Không manh mún trong ứng phó
Hội nghị cho thấy một số vấn đề nổi cộm cần giải quyết trong quá trình khắc phục hậu quả thiên tai. Đại diện lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt do xâm mặn diễn ra trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt người dân trên địa bàn, nhất là tại các bệnh viện, khách sạn, trường nội trú, khu công nghiệp.
Đối với diện tích lúa vụ này tại Bến Tre, tác hại của xâm mặn là không thể cứu vãn được. Hiện người dân cần rơm hơn cần lúa bởi trâu bò đang thiếu thức ăn nghiêm trọng. Mặc dù tỉnh đã tăng diện tích trồng cỏ để lấy thức ăn cho gia súc nhưng vẫn không đủ đáp ứng, người dân vẫn phải bán bớt trâu bò với giá rẻ bởi không đủ thức ăn. Ngoài ra, sự khác biệt về nhu cầu thủy lợi giữa các địa phương giáp ranh chưa giải quyết được cũng cản trở việc khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Các ý kiến tại buổi làm việc thống nhất các giải pháp xây dựng hồ chứa nước ngọt; chuyển công năng của các tuyến kênh mương chết sang hồ chứa nước ngọt tự nhiên để giải quyết cục bộ cho khu vực; hỗ trợ các khu vực ven biển mua lu, bể trữ nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cấp thiết. Hội nghị cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn với những giải pháp tập trung, khả thi tại tất cả 13 tỉnh, thành phố trong khu vực; tránh tình trạng manh mún, cục bộ.
Các ý kiến cũng đề nghị tăng tính liên kết liên vùng trong ngăn mặn, chống hạn, nhất là đối với xử lý nước ngầm, xây hồ chứa, lựa chọn công nghệ giống phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu. Một số ý kiến quan ngại việc tiềm ẩn những nguy cơ xã hội nếu rút ngắn số vụ sản xuất lúa trong năm, tránh tình trạng nhàn rỗi trong nông dân.
* Khoảng 1,5 triệu người bị ảnh hưởng
Lắng nghe và trao đổi với đại diện các địa phương, bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc nhanh chóng với nhiều giải pháp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trước diễn biến nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tỷ lệ dân số so với cả nước là gần 20%; GDP chiếm gần 17% GDP cả nước. Khu vực này còn là vùng an ninh lương thực của đất nước với sản lượng lương thực chiếm 56% cả nước và chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mặc dù đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, nhưng thu nhập bình quân đầu người của vùng lại thấp hơn so với trung bình cả nước (chỉ bằng 84%). Bên cạnh thuận lợi, vùng cũng đang đứng trước khó khăn lớn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lượng nước đầu nguồn giảm mạnh.
Thủ tướng cho biết, với những báo cáo tổng hợp mới nhất ngay tại hội nghị, khoảng 160.000ha đất sản xuất tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã chịu thiệt hại do hạn hán, xâm mặn. Ước tính, khoảng 320 ngàn hộ, với khoảng 1,5 triệu người đang bị ảnh hưởng do đợt thiên tai này. Các thông tin dự báo cho thấy, tháng 4/2016 sẽ là đỉnh cao của hạn hán xâm mặn và vào thời điểm đó sẽ có khoảng 500 ngàn ha lúa bị ảnh hưởng, gây tác động nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của khoảng 1 triệu hộ dân (tương đương 5 triệu người), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lo lắng.
* Điều chỉnh quy hoạch vùng
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm, theo dõi sát và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thiệt hại của chính quyền, người dân trong vùng đang chịu tác hại nặng nề của hạn hán, xâm mặn.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong vùng cần nỗ lực hơn nữa, tìm mọi cách khắc phục những khó khăn, vất vả của đồng bào trong đời sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng chung sức, chung lòng hỗ trợ nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua đợt thiên tai lịch sử này, Thủ tướng mong muốn.
Chỉ ra nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là phải đảm bảo nước ngọt, hợp vệ sinh cho người dân vùng thiệt hại, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải làm tốt việc dẫn nước, chở nước, đắp đập, ngăn sông theo phương châm sáng tạo, linh hoạt, kiên quyết không để nhân dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh hoặc bị đói do thiên tai.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cập nhật, dự báo, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Cửu Long, căn cứ vào tiềm năng, lợi thế, thị trường trong và ngoài nước, nhất là diễn biến biến đổi khí hậu.
Đề nghị các tỉnh, các bộ, ngành đều phải triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong vùng, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm quy hoạch phát triển lĩnh vực nông nghiệp của vùng. Gợi ý cụ thể 3 loại quy hoạch vùng, ngành và từng địa phương, Thủ tướng lưu ý đến việc điều chỉnh quy hoạch thủy lợi cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sao cho thích ứng với kịch bản biến đổi khí hậu ứng phó với nước biển dâng.
Cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức bức thiết, Thủ tướng đề cập đến các yếu tố hạ tầng, phát huy thế mạnh về thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái – những đặc thù của kinh tế vùng. “Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, tiếp tục tiến hành sắp xếp mức độ ưu tiên của các dự án, trong đó ưu tiên các công trình đập, cống, đê, hồ chứa nước ngọt và tính toán làm đồng bộ, hiệu quả; rà soát lại quy hoạch cấp nước sinh hoạt cho dân trên địa bàn từng tỉnh kể cả các nguồn: Nước máy, nước mưa….”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Về vấn đề nguồn vốn triển khai nhiệm vụ, Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành liên quan sử dụng đồng bộ, hiệu quả ngân sách Trung ương; vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Các bộ, ngành căn cứ Luật Ngân sách để tập trung các nhiệm vụ hỗ trợ người dân đắp đập, giữ ngọt, ngăn mặn; vận chuyển, cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Thủ tướng cũng đề nghị khuyến khích xã hội hóa để đa dạng nguồn vốn, kêu gọi các doanh nghiệp nông, thủy sản đồng hành với chính quyền trong xử lý thiên tai, chia sẻ khó khăn với người dân địa phương. Chính quyền các địa phương cần coi chống hạn, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
* Cần hơn 1000 tỷ đồng để giải quyết các tình huống cấp bách
Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể căn cứ vào đặc thù để xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay vì sản xuất 3 vụ lúa/năm, thì chỉ rút gọn xuống còn 2 vụ/năm; một số nơi có điều kiện có thể thay vụ lúa bằng loại cây trồng khác để đề phòng hạn hán, xâm mặn.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng đủ mạnh, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét một số công trình, dự án để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cấp bách và lâu dài trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước với tổng số tiền lên đến 32.500 tỷ đồng, trong đó có hơn 1000 tỷ đồng để xử lý các công trình cấp thiết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ có Công hàm đề nghị các quốc gia liên quan điều tiết nước các hồ chứa ngoài lãnh thổ để bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các thời kỳ khô hạn.