Thiếu cả nước sản xuất và sinh hoạt
Mới đầu giờ sáng mà cánh đồng xã Tân Phước, Gò Công Đông (Tiền Giang) đã nóng như một “chảo lửa”. Khác với thông lệ, mùa khô năm nay nắng sớm nhưng hết sức gay gắt và hầm hập không khác những ngày trưa hè nắng cháy.
Anh Võ Văn Hiếu, cư ngụ tại ấp III, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông đang đứng thẫn thờ bên thửa ruộng đã khô nức nẻ, lúa lên loe hoe chừng gang tay, vàng quạch. Anh Hiếu nói: “Lúa chết hết rồi. Không thể cứu được nữa. Tôi đã bỏ không bơm nước, chăm sóc cả tuần nay rồi. Vụ đông xuân 2015 – 2016, tôi canh tác 6 công đất (6.000 m2). Đây là vụ kỳ vọng nhất trong năm nhưng với tình trạng này coi như mất trắng.”.
“Người dân Gò Công không có nước sản xuất vì con kênh Ông Khánh, tuyến kênh dẫn nước ngọt duy nhất cho toàn cánh đồng đã trơ đáy. Nhiều ghe thuyền của người dân mắc cạn dưới lòng kênh nằm chơ vơ. Còn chất lượng nước, nếu có cũng không bơm tát sản xuất được bởi độ mặn đã lên vượt mức 2gr/lít từ lâu rồi”, anh Hiếu cho biết thêm.
Anh Võ Văn Hiếu, ấp III, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông đang đứng thẫn thờ bên thửa ruộng đã khô nứt nẻ. ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Chung niềm tâm tư nặng trĩu với anh Hiếu, ông Nguyễn Văn Kê, một lão nông tri điền của xã Tân Phước cho biết, gần 20 năm nay, nhờ nguồn nước ngọt của dự án ngọt hóa Gò Công, nông dân các xã ven biển Gò Công trong đó có quê ông đã chuyển từ canh tác 1 vụ bấp bênh sang 2, 3 vụ ăn chắc. Tuy nhiên, vụ đông xuân này, thời tiết, thủy văn diễn biến hết sức phức tạp và gây ra nhiều thiệt hại.
Ông Kê tính toán: “2,5 ha đất canh tác của tôi gieo sạ mới 20 ngày tuổi thì hạn hán và xâm nhập mặn ập tới vùng duyên hải Gò Công. Dưới kênh không còn nước còn trên trời thì nắng đổ xuống như thiêu như đốt. Cố gắng nhưng cũng không thể cứu được lúa, thiệt hại khoảng 25 triệu đồng.
Bến Tre cũng là một trong những tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại nặng vì hạn hán, xâm nhập mặn. Do xâm nhập mặn sớm hơn trong nội đồng, nguồn nước máy được dẫn từ sông Ba Lai bị nhiễm mặn nên người dân xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại lao đao, đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng.
Ông Lê Văn Dũng, ấp Tân Long, xã Thạnh Phước cho biết, do nước bị nhiễm mặn và bị đục không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt nên gia đình ông đang phải mua nước về sử dụng giá 1m3 nước ngọt 100.000 đồng.
“Chúng tôi chỉ mong nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng bể chứa nước mưa dự trữ cho mùa khô năm tới, nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, tránh phải sử dụng nước nhiễm mặn như hiện nay”, ông Lê Văn Dũng mong muốn. Xã Thạnh Phước có khoảng 2.500 hộ dân. Vào thời điểm này, xã có khoảng 60% hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt. Theo chính quyền địa phương, nếu hạn hán xâm nhập mặn kéo dài hơn một tháng nữa thì toàn xa sẽ không có nước ngọt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Tại nhà máy nước huyện Thạnh Phú, độ mặn đo được là 2,7‰. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, đến thời điểm này toàn huyện có 1.000 ha lúa bị nhiễm mặn và thiệt hại trên 70%. Theo nhận định của đại diện Phòng NN&PTNT với tình hình thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn sâu tiếp tục diễn ra như hiện nay thì tổng diện tích thiệt hại sẽ còn tăng thêm.
Điều khiến người dân huyện Thạnh Phú băn khoăn nhất là vào mùa khô những năm trước, nước nhiễm mặn chỉ ở dưới kênh, mương nội đồng, tuy nhiên hiện nay chỉ mới đầu năm 2016, nước mặn đã dâng cao, xâm nhập sâu vào ruộng đồng. Nếu năm 2016, mùa mưa đến muộn có khả năng nông dân không sản xuất được vụ hè thu.
Chắt chiu mọi nguồn nước ngọt
Theo ông Trần Minh Quan, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, đến thời điểm hiện nay, chỉ còn cống Xuân Hòa là cống duy nhất có thể lấy nước ngọt cấp cho toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Tuy nhiên, việc lấy nước không phải suôn sẻ mà chỉ lấy trong từng thời gian ngắn (lấy gạn), khi độ mặn ngoài sông Tiền giảm ở mức dưới 2 gr/lít. Còn trên 2 gr/lít thì bó tay, phải đóng cống ngăn mặn ngay.
Nhằm lấy nước chống hạn cứu lúa khẩn cấp, Công ty đã lắp thêm 2 cửa cống phục vụ việc lấy “gạn nước ngọt” đồng thời còn đầu tư thêm 4 tỉ đồng, trang bị 16 thuyền bơm lưu động, mỗi thuyền bơm có 2 máy bơm nước, công suất 4.000 m3 nước/ giờ bơm nước ngọt khi có điều kiện từ sông Tiền vào để bổ sung cho kênh Xuân Hòa và hệ thống kênh trục, kênh sườn trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công.
“Chúng tôi đang cố gắng cung cấp nguồn nước ngọt chống hạn cứu lúa bằng mọi cách, biến hệ thống kênh trục, kênh sườn thành những hồ chứa nước ngọt để nhân dân bơm chuyền lên ruộng, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết.
Còn theo ông Trần Minh Quan, Giám đốc Công ty Thủy lợi Tiền Giang, để bảo đảm có nguồn nước ngọt bơm bổ cấp vào nội đồng, Công ty bố trí trực 24/24 giờ trong ngày để quan trắc độ mặn, vận hành cống lấy nước và thuyền bơm lưu động.
lúa chết,thiệt hại nặng do hạn mặn ở Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh : Trung Hiếu/TTXVN |
Tại Bến Tre, bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Bến Tre cho biết, hiện nay công ty đã triển khai hệ bơm dã chiến đặt tại xã Qưới Thành, huyện Châu Thành với công suất khai thác 17.000m3/ngày đêm để đưa nước ngọt về thành phố Bến Tre, ứng phó và từng bước giảm thiểu đến mức thấp nhất độ mặn trong nước sinh hoạt do công ty cung cấp. Đồng thời kết hợp theo dõi độ mặn tại nước nguồn của nhà máy nước Sơn Đông để cho ra nước có chất lượng tốt hơn.
Tỉnh Bến Tre cũng đã triển khai dự án xây dựng nhà máy nước An Hiệp từ năm 2012 với mục tiêu đưa nước thô từ thượng nguồn về với quy mô lớn hơn. Theo tiến độ, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 6/2016. Trong đó trạm bơm nước thô sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3/2016. Khi đó sẽ có khoảng 30.000m3 nước ngọt được đưa về mỗi ngày. Và đến tháng 5/2016 thì sẽ có 40.000m3 nước ngọt mỗi ngày được đưa về cung cấp cho người dân thành phố Bến Tre và các vùng lân cận”.