Lượng khí CO2 trên toàn cầu không tăng trong năm 2014

Ngày 13/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong năm 2014, lượng khí carbon dioxide (CO2) phát thải từ khu vực năng lượng toàn cầu không tăng mặc dù kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng.

Theo IEA, lượng phát thải khí CO2 năm ngoái ở mức 32,3 triệu tấn, không thay đổi so với năm trước đó. Điều này chứng tỏ các nỗ lực giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu có thể đạt kết quả nhiều hơn mong đợi. Kết quả này có được nhờ sự thay đổi về mô hình sử dụng năng lượng ở Trung Quốc và các nước thuộc Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD). Trung Quốc - quốc gia thải nhiều khí CO2 nhất thế giới - đã sử dụng nhiều năng lượng tái sinh hơn trong năm 2014, đặc biệt là thủy điện, phong điện và điện Mặt Trời; đồng thời tiêu thụ ít nhiên liệu hóa thạch hơn. Các nước OECD, bao gồm Mỹ và một số nước châu Âu, đã tăng cường các nỗ lực để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và sử dụng nhiều năng lượng tái sinh hơn.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu không tăng trong năm 2014. Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN


Tổng giám đốc IEA Fatih Birol cho rằng kết quả trên là một tín hiệu quan trọng và đáng hoan nghênh, tạo đà rất cần thiết để các nhà đàm phán soạn thảo và đi đến ký thỏa thuận toàn cầu về khí hậu tại hội nghị ở thủ đô Paris của Pháp vào tháng 12 tới. Ông Birol nhấn mạnh đây là lần đầu tiên kể từ khi IEA được thành lập sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khí thải gây hiệu ứng nhà kính không đi liền với tăng trưởng kinh tế.

Trong 40 năm qua, thế giới chỉ chứng kiến 3 lần lượng phát thải khí CO2 không thay đổi, thậm chí giảm, vào các năm 1980, 1992 và 2009. Cả ba lần này đều liên quan đến tình trạng suy yếu của nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu năm 2014 vẫn tăng trưởng 3%. Các quan chức IEA cho rằng điều này chứng tỏ nhân loại có thể cùng hành động để chống biến đổi khí hậu, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với thế giới ngày nay.

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua mục tiêu giảm 40% lượng khí CO2 vào năm 2030, trong khi Mỹ đã thông báo kế hoạch giảm từ 26-28% lượng phát thải khí CO2 vào năm 2025 so với mức của năm 2005.


TTXVN/Tin tức
G20 ưu tiên an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu
G20 ưu tiên an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu

An ninh năng lượng phải trở thành ưu tiên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và sự ổn định của các thị trường là yếu tố then chốt đối với tăng trưởng của nhóm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN