G20 ưu tiên an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu

An ninh năng lượng phải trở thành ưu tiên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và sự ổn định của các thị trường là yếu tố then chốt đối với tăng trưởng của nhóm.

G20 leaders attend the opening session of the G20 Summit in Brisbane, Australia, Nov. 15, 2014. Ảnh: THX/TTXVN


Đây là khẳng định được nêu ra trong tuyên bố chung sau phiên bế mạc của Hội nghị cấp cao G20 ngày 16/11, diễn ra tại thành phố Brisbane (Bri-xbên), bang Queensland, Australia.


Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G20 dành hẳn một phiên họp để thảo luận các vấn đề năng lượng toàn cầu. Cho đến nay, các nước thành viên G20 chiếm tới hơn 80% mức tiêu thụ năng lượng thế giới, khoảng 60% sản lượng dầu khí và hơn 90% sản lượng than đá toàn cầu.


Tuyên bố chung nhấn mạnh sự ổn định lâu dài của các thị trường dầu mỏ được nhìn nhận là yếu tố cốt lõi để đảm bảo thành công của những cải cách mà các thành viên G20 đã cam kết, qua đó có thể đạt mục tiêu nâng tăng trưởng kinh tế của cả nhóm lên 2,1% trong 5 năm tới. Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí ưu tiên trong tăng cường hợp tác năng lượng, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc họp bộ trưởng năng lượng các nước vào năm 2015 nhằm thảo luận cải cách trong hệ thống năng lượng thế giới.


* Cùng ngày, Hội nghị G20 cũng ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, trong đó hối thúc hành động mạnh mẽ và hiệu quả trong vấn đề này.


Tuyên bố tái khẳng định sự hỗ trợ của các nước G20 nhằm huy động tài chính cho các chương trình về môi trường như Quỹ khí hậu xanh của Liên hợp quốc (LHQ). Đây là chương trình nhằm kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước phát triển đối với các nước nghèo để chống lại những tác động của biến đổi khí hậu. Nhật Bản đã đồng ý đóng góp 1,5 tỷ USD trong khi Pháp và Đức mỗi nước sẽ đóng góp 1 tỷ USD cho quỹ.


Bên cạnh đó, G20 cũng ra tuyên bố chung về sự cần thiết tăng cường các thể chế tài chính toàn cầu với mục đích nâng cao mức tăng tưởng toàn cầu và tạo nhiều việc làm có chất lượng. Các nhà lãnh đạo G20 hoan nghênh việc tăng cường sự hiện diện của các nền kinh tế đang nổi trong Hội đồng ổn định tài chính (FSB), đồng thời kêu gọi tiến hành nhanh chóng kế hoạch cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngoài ra, các nước thành viên G20 cũng nhất trí hợp tác nhằm đảm bảo các thỏa thuận đa phương, song phương và khu vực được thực hiện một cách minh bạch, đóng góp cho hệ thống thương mại đa phương vững mạnh trong khuôn khổ các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).


* Cùng ngày 16/11, Thủ tướng Australia Tony Abbott thông báo Trung Quốc sẽ đăng cai Hội nghị cấp cao G20 vào năm 2016. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đăng cai Hội nghị G20 vào năm 2015 tại Antalya.


Trả lời họp báo sau khi bế mạc Hội nghị cấp cao G20 kéo dài hai ngày tại thành phố Brisbane, ông Abbott khẳng định Australia mong muốn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 và thông báo Trung Quốc sẽ đăng cai Hội nghị G20 vào năm 2016.


Khác với các tổ chức quốc tế khác, G20 hoạt động mà không có ban thư ký hay nhân viên thường trực. Ghế chủ tịch luân chuyển hàng năm giữa các thành viên và được chọn từ nhóm các quốc gia khu vực khác nhau. Ghế chủ tịch là một phần của nhóm quản lý gồm 3 thành viên xoay tròn gồm chủ tịch quá khứ, hiện tại và tương lai (được gọi là Troika). Chủ tịch đương nhiệm lập ra ban thư ký lâm thời trong suốt nhiệm kỳ của mình để phối hợp công việc và tổ chức các cuộc họp của nhóm. Vai trò của Troika là đảm bảo tính liên tục trong công việc của G20 và có nhiệm vụ quản lý trong thời gian làm chủ nhà đăng cai.


TTXVN/Tin Tức

Thủ tướng Đức gặp riêng Tổng thống Nga bên lề G20
Thủ tướng Đức gặp riêng Tổng thống Nga bên lề G20

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp riêng bên lề Hội nghị cấp cao G20 ở Australia để thảo luận về vấn đề Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN