Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn - Bài 3: Mời gọi vốn cho các dự án chống ngập

Hơn 10 năm trước, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện hàng loạt dự án chống ngập và cải thiện môi trường với mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng hiệu quả chưa như mong muốn và "ngập vẫn hoàn ngập".

Kêu gọi vốn xã hội hóa

Chú thích ảnh
Vào mùa mưa, các tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại chìm trong biển nước.

Để giải quyết bài toán chống ngập tại TP Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đang triển khai nhiều dự án chống ngập thuộc 2 quy hoạch chính: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch 752) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Quy hoạch 1547).

Mặc dù 2 quy hoạch này đã được phê duyệt cách đây hơn 10 năm trước, nhưng đến nay, kết quả thực hiện của hai quy hoạch này chưa cao. Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, hiện hệ thống cống thoát nước trong phạm vi 650 km2 chỉ mới xây mới và cải tạo được 2.593/6.000 km (đạt khoảng 40 %).

Ở góc độ khác, nhiều dự án chống ngập dù được triển khai mới nhưng khi đi vào sử dụng vẫn xảy ra tình trạng ngập, thậm chí còn xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới. Chẳng hạn, đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) mặc dù đã được Trung tâm điều hành Chương trình Chống ngập nước thành phố đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và vận hành từ năm 2016 nhưng mỗi khi trời mưa, con đường này “ngập vẫn hoàn ngập”.

Nhìn nhận về giải pháp chống ngập hiện nay của TP Hồ Chí Minh, kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết trong 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã chi đến hơn 22.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập. Theo kế hoạch, đến năm 2020, con số này lên đến hơn 120.000 tỷ đồng. Nhưng với cách làm hiện nay, kết quả vẫn không tương xứng với chi phí bỏ ra và tình trạng ngập vẫn diễn ra. Cách làm này đang gây ra lãng phí cho ngân sách của nhà nước.

Khi điểm lại lịch sử chống ngập ở TP Hồ Chí Minh, có thể thấy, công tác này đang thực hiện theo kiểu đối phó mùa vụ. Nghĩa là trũng điểm nào thì nâng điểm đó, tắc điểm nào nạo vét điểm đó, ngập điểm nào hút điểm đó… dù thành phố đã có hai quy hoạch chống ngập như trên.

Theo TS - KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, thành phố hiện nay chưa thật sự có quy hoạch, chiến lược chống ngập tổng thể, mà chỉ mới dừng lại ở mức những dự án chống ngập. Bởi nếu là một chiến lược chống ngập, trước hết phải quy hoạch được tốt không gian dành cho nước và việc xây dựng, cải tạo hạ tầng phải được phối hợp tốt giữa các ngành theo một định hướng thống nhất. Thực tế, những khu vực ngập nhất và có tiền sử ngập nặng thường là khu vực bê tông hóa, lấp hồ, kênh rạch, mật độ xây dựng cao lên gấp chục lần nhưng không hề dành không gian dành cho nước, không gian xanh, mặt nước, hồ điều tiết… nên mới xảy ra tình trạng ngập.

Hiện nay, để giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cần tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân từng điểm ngập còn tồn tại và phát sinh mới, từ đó xây dựng kế hoạch xử lý các điểm ngập lâu dài.

Theo đó, các đơn vị phụ trách phải thể hiện được bức tranh tổng thể về công tác chống ngập, phân tích rõ công trình hiệu quả ra sao, công trình nào còn yếu kém để có thể áp dụng các giải pháp nào hiệu quả. Tránh tình trạng lãng phí ngân sách mà không cho hiệu quả như mong muốn như thời gian qua.

Tập trung giải quyết 3 vấn đề

Theo tính toán trên cơ sở khoa học và thực tế của  kỹ sư Vũ Hải, người có hơn 50 năm làm về công tác chống ngập nước, muốn giải bài toán chống ngập của TP Hồ Chí Minh, thành phố cần tập trung giải quyết 3 vấn đề cơ bản như: chống ngập do triều cường, chống ngập do mưa và xử lý hệ thống cống thoát nước thải.

Chú thích ảnh
Nhiều người dân phải vất vả vượt qua các con đường ngập nước "tiền sử" tại TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, để chống ngập do triều cường cần xây đập ngăn triều cường kiểu mới thông minh tại cửa sông Soài Rạp với các thông số kỹ thuật như xây dựng đập dài 3 km, sâu 5 - 6 m tại vị trí phía dưới ngã ba sông Vàm Cỏ - Soài Rạp cách cửa biển 11 km hoặc 16 km; xây dựng tuyến đê bao phía trái đập nối với Quốc lộ 50 dài 10 km hoặc sử dụng đường hiện hữu Quốc lộ 50 - phà Vàm Láng làm đê bao.

Bên cạnh đó, để chống ngập do mưa, cần phải lập các biểu đồ mới tính toán cường độ mưa thay cho các biểu đồ cũ đã lập cách đây hơn 20 năm do không còn thích hợp với tình hình biến đổi khí hậu trong những năm gần đây.

Cùng với đó, thành phố cần thay hệ thống cống mới có khẩu độ lớn hơn hoặc dùng van ngăn triều cường kết hợp với trạm bơm cục bộ bơm nước ra sông; thay thế các hố ga thu nước hiện nay bằng các hố ga cải tiến ngăn rác, khử mùi vừa bảo đảm thoát nước, giảm chi phí tu dưỡng hàng năm, vừa góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường.

“Ngoài ra, chính quyền TP Hồ Chí Minh có thể đấu thầu rộng rãi để tư nhân tham gia thực hiện các dự án chống ngập cho thành phố. Bởi nếu đơn vị nào thực hiện dự án không hiệu quả, chúng ta có thể xử lý được. Còn nếu chỉ giao cho các đơn vị nhà nước thực hiện như thời gian qua thì hiệu quả chống ngập dù không đạt được hiệu quả cũng không biết ai chịu trách nhiệm”, ông Vũ Hải cho biết thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ Môi trường (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng, đối với vấn đề ngập úng do mưa có thể thu trữ nước mưa, xây dựng hồ điều hòa và bổ sung công trình tại các cửa xả cho một số hệ thống cống thoát nước. Đối với nguyên nhân gây ngập do cao độ, sụt lún địa chất thành phố có thể dùng biện pháp đưa nước ngập úng đến nơi có thể chứa được hoặc xây dựng hệ thống đê kè ngăn chặn nước từ khu vực cao đổ về khu vực thấp. Mặt khác, tại các khu vực trũng có thể dùng giải pháp máy bơm đưa nước ra khỏi vùng ngập úng.

Trong khi đó, để giải quyết bài toán thiếu vốn cho các dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh, mới đây, TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện hội nghị mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào 17 dự án thuộc chương trình chống ngập nước bằng hình thức đối tác công tư (PPP) gồm: 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hoá - Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Rạch Cầu Dừa và lưu vực Tây Bắc. Các dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến trên 45.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn 6 dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch với tổng mức đầu tư dự kiến 19.640 tỷ đồng; 3 dự án đê bao cùng các cổng kiểm soát triều có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.722 tỷ đồng và 1 dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa chấp thuận tạm ứng từ ngân sách thành phố 9,3 tỷ đồng để Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện 3 dự án giảm ngập nước trên tuyến Quốc lộ 22, huyện Củ Chi.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn - Bài 2: Điệp khúc mưa to lại ngập vẫn chưa có lời giải?
Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn - Bài 2: Điệp khúc mưa to lại ngập vẫn chưa có lời giải?

Những trận mưa lớn trong tháng 8 vừa qua cho thấy hạ tầng thoát nước Hà Nội vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là khu vực mở rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN