Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn - Bài 2: Điệp khúc mưa to lại ngập vẫn chưa có lời giải?

Những trận mưa lớn trong tháng 8 vừa qua cho thấy hạ tầng thoát nước Hà Nội vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là khu vực mở rộng.

Sự khập khiễng trong đầu tư hạ tầng

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, khi mưa to, trong nội thành sẽ xuất hiện 15 điểm ngập cố hữu

Chú thích ảnh
Một điểm ngập trong nội thành Hà Nội trước cơn mưa lớn trong năm 2018. Ảnh: Lê Phú

Hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với diện tích khoảng 300 km2 và được chia thành 5 lưu vực: Tô Lịch (khoảng 77km2); Tả Nhuệ (khoảng 58 km2); Hữu Nhuệ (khoảng 52 km2); Hà Đông (khoảng 47 km2); Long Biên (62 km2). Toàn bộ hệ thống này do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vận hành, quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có hệ thống thoát nước lưu vực Tô Lịch được đầu tư tương đối đồng bộ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội cho biết: Dự án chống ngập nội đô thuộc lưu vực sông Tô Lịch có mức đầu tư gần 10.000 tỷ đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động từ năm 2017 có khả năng chống ngập với lượng mưa 310mm/2ngày.

Trong khi đó, Công ty thoát nước Hà Nội cho biết là 15 điểm ngập cố hữu do cốt nền thấp như Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê (trường Chu Văn An - dốc La Pho), Hoa Bằng (số nhà 91-97), phố Phạm Văn Đồng (Đình Giàn), Phạm Ngọc Thạch (nhà B7 Phạm Ngọc Thạch), đường Trường Chinh (đoạn Bệnh viện Phòng không Không quân), ngã ba Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân, phố Thanh Đàm… Thời gian ngập lụt thường kéo dài từ 1-2 tiếng khiến phương tiện giao thông di chuyển khó khăn, cuộc sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. “Để khắc phục hiện tượng những điểm ngập này, thành phố sẽ triển khai dự án lắp máy bơm công suất lớn hoặc tổ chức 1 đường thoát nước riêng mang tính cục bộ”, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

"Một số điểm sẽ tiến hành xây dựng hầm thu nước nhân tạo có dung tích 2.000m3, theo công nghệ Nhật. Với lượng mưa dưới 100mm/2 giờ, hầm thu nước nhân tạo có thể chống ngập hữu hiệu. Còn trên mức này thì cần thêm các biện pháp hỗ trợ khác. Hà Nội triển khai thí điểm tại khu vực chợ Hàng Da. Sau khi ghi nhận hiệu quả của công trình này sẽ triển khai tại một số điểm ngập cố hữu khác”, ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, những điểm ngập có nhiều hình ảnh phản cảm thời gian qua lại là khu vực ngoài vành đai II (ngoài lưu vực sông Tô Lịch) và chủ yếu là các khu đô thị mới phía Tây Hà Nội. Thời gian qua, chỉ với những trận mưa có cường độ khoảng từ 50-100 mm/2 giờ đã xuất hiện các điểm ngập do các khu đô thị và khu dân cư vẫn là hệ thống thoát nước đơn lẻ, chủ yếu là tự chảy và chưa được kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chung.

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng cứ mưa là ngập, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên nhân thì mọi người đều rõ nhưng giải pháp chưa thực thi hiệu quả. Hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo, tuy nhiên còn chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh. Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bị bêtông hóa. Do vậy, với các trận mưa to khiến hệ thống thoát nước bị quá tải. Việc sinh hoạt, tổ chức sản xuất, kinh doanh làm tăng nhu cầu nước thải xả ra các cống. Hiện tượng xả rác của người dân còn chưa được ngăn chặn triệt để. Nhiều người dân có thói quen xả rác, quét lá cây khiến cống bị tắc, khi có mưa thì rác nổi lềnh phềnh.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri HĐND thành phố mới đây, nhiều người dân khu vực tình trạng vứt rác thải bừa bãi, gây tắc đường cống thu nước, công nhân làm không xuể. Do đó, các ban ngành phải có chế độ xử phạt cụ thể và thực hiện nghiêm minh, tuyên truyền rộng rãi để hạn chế hành vi này.

Thiếu tầm nhìn quy hoạch về thoát nước

Lý do cứ mưa to là Hà Nội lại ngập, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “UBND thành phố giao Sở Xây dựng quản lý hệ thống thoát nước đô thị gồm khu vực trung tâm với diện tích khoảng 300km2. Bên cạnh dự án của Nhà nước, trên cơ sở quy hoạch, thành phố kêu gọi đầu tư vào thoát nước , xử lý nước thải đã có nhưng không doanh nghiệp nào muốn tham gia đầu tư. Ngoài lưu vực Tô Lịch, 230 km2 vẫn “trống”, chủ yếu là để tự chảy. Do đó, các khu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông, Nam Từ Liêm và các khu đô thị mới vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mua lớn do tốc độ hóa diễn ra nhanh nhưng hệ thống hạ tầng chưa theo quy hoạch được duyệt.

“Để giải quyết tình trạng lớn là ngập khu vực phía Tây Hà Nội, thành phố sớm xây dựng trạm bơm Liên Mạc với công suất giai đoạn 1 là 90 m3/s và trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s, kết hợp cải tạo sông Nhuệ để lưu thoát nước nhanh với lượng mưa cường độ 300mm/2 ngày. Đây là trục xương sống của việc thoát nước khu vực vực Tả Nhuệ, Hà Đông”, ông Lê Văn Dục cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội, đơn vị đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi dự án hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ và đang trình thành phố để chuẩn bị đầu tư. Theo đó, phạm vi dự án tác động trên diện tích 50 km2. Tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn vay ODA trên 5.300 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách Hà Nội trên 2.677 tỷ đồng. Dự án có 4 hạng mục gồm cải tạo xây dựng mới 4 trạm bơm tổng công suất 35,5m3/giây; cải tạo, xây mới 9 hồ với tổng diện tích 127 ha; cải tạo xây mới 13 km kênh hở; cải tạo xây dựng mới 14 km cống trục chính.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Hà Nội trong thời gian qua chưa giải quyết một cách tổng thể vấn đề thoát nước thành phố. Các dự án mới dừng lại ở mức cải tạo hệ thống thoát nước mưa cho vùng trung tâm nội thành. Hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống thoát nước chung, chưa tách ra nước thải để xử lý. Tình trạng bê tông hóa mặt đất, trước đây khi mà chúng ta thực hiện quá trình đô thị hóa thì đó là ruộng lúa, đây là những diện tích đất khi có mưa lớn có khả năng hút và trữ nước. Còn sau khi đô thị hóa, thay vào những mặt đất có thể hút nước được hoàn toàn là mặt đường, mặt sân bê tông không có khả năng hút nước, tích nước được nên lượng nước đó sẽ tập trung vào kênh mương, hoặc gây ngập úng tại một số khu vực

Để nâng cao năng lực hệ thống thoát nước, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân Hà Nội, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt ra một số vấn đề Hà Nội cần sớm giải quyết: Thứ nhất là phải cập nhật quy hoạch thoát nước với việc thực hiện quy hoạch đô thị hiện nay. Việc thực hiện xây dựng hạ tầng thoát nước đồng bộ với xây dựng hạ tầng đô thị. Thứ hai là dùng các biện pháp hiện đại hơn trong việc quản lý hệ thống cống thoát nước của đô thị.

“Thành phố cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này bởi đây là vấn đề dân sinh bức xúc trong nhiều năm qua. Về phía người dân phải có ý thức bảo vệ hệ thống hạ tầng, giữ gìn sạch sẽ; người dân nên vì lợi ích của chính mình chứ không nên vì một chút tiện lợi và ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước và mỹ quan chung của đô thị”, TS Phạm Sỹ Liêm cho biết.

XC/Báo Tin tức
Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn
Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai trung tâm kinh tế - xã hội - văn hóa lớn của cả nước nhưng mỗi khi triều cường dâng cao hoặc có mưa lớn thì đều chìm trong biển nước, mặc dù cả 2 thành phố đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho công tác quy hoạch chống ngập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN