Sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Để Hà Nội ngàn năm văn hiến là niềm tự hào của quốc gia cần phải tạo sự chuyển biến mới trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Năm 2017, Thành phố đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan hành chính và nơi công cộng.
Theo ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình (Sở VHTT Hà Nội), hai bộ quy tắc ứng xử quy định những điều được làm và không được làm mang tính định hướng, còn những vi phạm sẽ xử lý theo các văn bản quy phạm pháp luật khác như vi phạm giao thông do công an xử lý, buôn gian bán lận do quản lý thị trường xử lý. Do đó, các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các vi phạm sẽ tạo thành kỷ cương phép nước và mọi người sẽ tuân thủ thực hiện.
Xây dựng ứng xử công chức viên chức trước hết tiên là tạo dụng hình ảnh cán bộ từ trang phục, đeo thẻ, biển hiệu tại nơi làm việc. “Việc thực hiện nghiêm hay không sẽ do cơ chế quản lý. Nếu xử lý nghiêm thực thi công vụ và có chế tài xử lý vi phạm thì mọi quy ước sẽ đi vào nề nếp. Chúng tôi xác định cụ thể 36 đầu việc và xác định rõ các cơ quan thực thi trong thực hiện 2 bộ quy chế ứng xử. Trong hơn 1 năm triển khai quy tắc ứng xử, có thể nhận thấy địa phương nào, lãnh đạo quận huyện vào cuộc quyết liệt thì nơi đó quy tắc ứng xử thực hiện nghiêm. Việc thực hiện quy tắc ứng xử từ cơ quan công quyền sẽ lan tỏa ra xã hội”, ông Ngô Văn Nam chia sẻ.
Từ góc độ cấp quận huyện, tại huyện Gia Lâm, việc triển khai hai bộ quy tắc ứng xử cũng đã được triển khai đến tất cả cán bộ trên địa bàn. Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm trực tiếp chỉ đạo, giảng quy tắc ứng xử tới cán bộ các xã trên địa bàn khẳng định tạo thành nề nếp, tác phong làm việc.
“Trong quá trình triển khai, tôi cũng nhận được hai phản ánh của cơ quan truyền thông về hành vi cư xử của 2 cán bộ xã khi giao tiếp, lập tức tôi đã gọi lên đối chất và yêu cầu chấn chỉnh và coi đó là bài học để các cán bộ cơ sở rút kinh nghiệm. Từ đầu năm đến nay, khi triển khai sâu rộng được người dân quan tâm, đặc biệt là việc vận động vệ sinh môi trường, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan được người dân ủng hộ”, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết.
Trong khi đó, ở góc nhìn cơ sở, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (Tây Hồ) thừa nhận đợt tuyên truyền sâu rộng hai bộ quy tắc là sự tiếp nối phong trào vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trước đây thiên nhiều về vận động, còn 2 bộ quy tắc ứng xử được thể chế cụ thể hơn về những hành vi, vấn đề đẹp, truyền thống cần phát huy, nâng lên thành văn hóa đẹp cần nhân rộng. Các đợt sinh hoạt lồng ghép về chủ đề 2 bộ quy tắc ứng xử nhận được nhiều tham luận, đánh giá thực tại những bất cập đang tồn tại ở các khu dân cư và chính người dân bàn, đưa ra giải pháp.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cho rằng, qua hơn 1 năm thực hiện, quy tắc ứng xử trong cơ quan hành chính đã có sự chuyển biến rõ nét về ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng có tác động đến sự chuyển biến tích cực tới người dân. Qua đó, người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và với xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện 2 bộ quy tắc này còn có những hạn chế nhất định, trong đó việc tuyên truyền chưa được rộng khắp, chưa tạo được ấn tượng đến với người dân do một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai còn mang tính hình thức. Một số ít cán bộ đảng viên và nhân dân có nhận thức nhưng vẫn cố tình vi phạm và có những hình ảnh phản cảm ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô Hà Nội. Do đó, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao tập trung triển khai tuyên truyền, tổ chức thực hiện đến từng người dân thông qua tọa đàm tới từng tổ dân phố, hội thi tuyên truyền để người dân tự trao đổi những việc làm tốt, những việc chưa làm tốt và đề ra các giải pháp để xây dựng tổ dân phố ngày càng tốt hơn.
“Các cuộc tổ chức tọa đàm, thi tuyên truyền sẽ nhân rộng khắp trên địa bàn thành phố trong tháng 8 và sẽ được duy trì thường xuyên, liên tục để người dân nhận biết và làm theo”, bà Hiền cho biết.
Linh động theo từng địa bàn, nhóm đối tượng
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cũng khẳng định: Việc triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử theo nhiều nhóm đối tượng, từng địa bàn cụ thể. Trong đó việc áp dụng đầu tiên là khối cơ quan công chức, viên chức, lao động trong các cơ quan thành phố và từ đó lan tỏa tới cộng đồng dân cư. Việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử nơi làm việc cũng góp phần thực hiện cải cách hành chính, thay đổi cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại các công sở trên địa bàn Hà Nội theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước phải gương mẫu thực hiện tại tất cả các điểm công cộng trên địa bàn thành phố. Cán bộ, công chức cũng cần tuyên truyền, vận động người thân, gia đình thực hiện tốt các quy tắc. Các nội dung ứng xử chung sẽ được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với các quy định khi tham gia giao thông, Công an thành phố sẽ lồng ghép vào nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị sẽ tuyên truyền, quán triệt, vận động đoàn viên, hội viên nghiêm túc thực hiện. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên sẽ tổ chức các câu lạc bộ, các nhóm, mô hình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện… Các quy định cụ thể sẽ được gắn biển để nhắc nhở tại các điểm công cộng như bến xe, nhà ga, bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn…
Tại cuộc làm việc với sở VHTT Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, tình hình bạo lực xã hội trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định pháp luật, Hà Nội cần phải đẩy mạnh mô hình văn hóa, quảng bá những hình ảnh đẹp để tạo sự lan tỏa trong xã hội. Có như vậy từng bước thay đổi ý thức người dân trong ứng xử văn minh với môi trường và cộng đồng xung quanh.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh hình ảnh của một địa phương, một đất nước trong mắt bạn bè đầu tiên chính là văn hoá. Do đó, các cấp, các ngành thành phố, từng người dân Hà Nội, trước tiên là cán bộ ngành Văn hoá và Thể thao phải nỗ lực hơn nữa trong xây dựng nếp sống văn hoá. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử phải được ăn sâu vào đời sống hằng ngày, biến thành nếp sống văn hoá của mỗi gia đình, tập thể và cá nhân. Công việc này cần phải làm thường xuyên, lâu dài, tránh việc triển khai hình thức.
"Hà Nội là nơi hội tụ văn hoá của cả nước, kết tinh văn hoá Thăng Long, văn hoá xứ Đông, xứ Đoài. Chúng ta có trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vinh dự, đó là vai trò Thủ đô của cả nước. Văn hoá Hà Nội phải phát triển xứng đáng với vị trí Thủ đô, thật đặc sắc, để người dân cả nước đặt lòng tin vào Thủ đô như người anh cả trong gia đình", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.