Lỗ hổng chất lượng thuốc thú y - Bài cuối: Quản lý chặt các cửa hàng

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y đã thực hiện việc sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt), nhưng tiêu chuẩn này lại không được triển khai tại các đại lý bán thuốc, khiến chất lượng thuốc giảm.

Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y về vấn đề này.



Ông đánh giá như thế nào về thị trường thuốc thú y hiện nay?

Thị trường thuốc thú y hiện nay có khoảng hơn 2.000 loại thuốc, chưa kể các loại thuốc nhập ngoại. Các loại thuốc này chủ yếu chữa đường phổi, đường ruột, thuốc bồi bổ và vắcxin cho vật nuôi…


Thanh tra Thú y kiểm tra một cửa hàng đại lý kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi tại thị trấn Cầu Gồ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Từ 1/1/2014, tất cả các cơ sở sản xuất thuốc phải tuân thủ theo tiêu chuẩn GMP. Trước đây, có 87 doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, nhưng 37 doanh nghiệp không sản xuất nữa do không đủ điều kiện. Hiện chỉ còn 50 công ty đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc theo GMP. Giá thuốc thú y cũng đã tăng lên, vì theo tiêu chuẩn này, mỗi công ty phải đầu tư tới 20 -30 tỷ đồng để bảo đảm đáp ứng đủ các yêu cầu của GMP.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y đã đạt tiêu chuẩn GMP, nhưng các đại lý bán thuốc lại không đạt tiêu chuẩn này. Thuốc được sản xuất ra từ các nhà máy thì rất tốt nhưng điều kiện bảo quản tại các đại lý bán lẻ không tốt, nên thuốc không còn đạt chuẩn GMP nữa. Do vậy, việc thực hiện GMP trong thuốc thú y mới chỉ là nửa chừng.

Thuốc hỏng, nếu là thuốc chữa bệnh thì gia súc, gia cầm sẽ không khỏi bệnh, còn vắcxin hỏng thì sẽ là con dao hai lưỡi. Lý do là khi tiêm vắcxin cho vật nuôi rồi, chúng ta yên tâm vật nuôi đã được miễn dịch. Tuy nhiên, vì được tiêm vắcxin hỏng nên con vật đó chưa miễn dịch được và vẫn mắc bệnh. Thực tế cho thấy, vắcxin cúm A/H5N1 nhập từ nước ngoài, chất lượng thì rất tốt, nhưng khi tiêm xong, gia cầm vẫn bị mắc bệnh, nguyên nhân là do chúng ta bảo quản không tốt.

Ngoài ra, trình độ của bác sỹ thú y còn hạn chế, nông dân thì hầu như không phân biệt được các loại thuốc khiến cho việc sử dụng thuốc thú y không đạt hiệu quả như mong muốn. Đối tượng gánh chịu hậu quả là người chăn nuôi.


Theo ông, ngành nông nghiệp cần có giải pháp gì để có thể đưa thuốc bảo đảm chất lượng tới người chăn nuôi?

Theo tôi, việc quan trọng nhất phải quản lý thật chặt về điều kiện bảo quản, chất lượng thuốc tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y. Hiện nay, đa số các đại lý bán thuốc không bảo đảm yêu cầu về bảo quản thuốc. Phòng bảo quản thuốc phải có điều hòa nhiệt độ, để giữ nhiệt độ phòng ở mức 20oC, tối đa là 25oC. Tóm lại, hầu hết các loại thuốc để càng mát càng tốt, riêng vắcxin thì phải được bảo quản trong tủ lạnh, có loại phải để trong ngăn đá.

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng đều không niêm yết công khai bảng giá thuốc. Việc này là vi phạm quy định về thương mại. Cục Thú y cần tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập lại trật tự của hệ thống bán thuốc thú y từ Trung ương xuống địa phương. Theo tôi, cần áp dụng quy chuẩn GMP cho các cửa hàng bán lẻ thuốc thú y. Như vậy mới bảo đảm thuốc đủ chất lượng tới tay người dân.


´Trước mắt, ông có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi trong việc sử dụng thuốc thú y?

Theo tôi, người chăn nuôi cần thực hiện phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hiện nay, các địa phương đều có quy trình bảo đảm an toàn dịch bệnh, và người dân cần phải tuân thủ theo đúng quy trình này. Ví dụ, lợn phải được tiêm vắcxin dịch tả đầu tiên, với vịt là vắcxin dịch tả và cúm...

Người dân đã tương đối hiểu về cách phòng chống dịch, nhưng tôi vẫn khuyến cáo, việc tiêm vắcxin phải được tiến hành cẩn thận và vắcxin phải được bảo quản tốt.

Theo quan điểm của chúng tôi, GMP được áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất thuốc thì chủ các cơ sở kinh doanh thuốc cũng phải có trình độ trung cấp trở lên. Các cơ sở bán lẻ thuốc cũng phải đạt tiêu chuẩn GMP; trong đó có điều kiện phải có điều hòa nhiệt độ để bảo quản thuốc được tốt.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Vinh (thực hiện)
Lỗ hổng chất lượng thuốc thú y - Bài 1: “GMP” nửa chừng
Lỗ hổng chất lượng thuốc thú y - Bài 1: “GMP” nửa chừng

Theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y phải áp dụng tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt) để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều trong số những lô thuốc này khi đến tay người tiêu dùng vẫn không thể cứu chữa được gia súc...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN