Theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y phải áp dụng tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt) để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều trong số những lô thuốc này khi đến tay người tiêu dùng vẫn không thể cứu chữa được gia súc, vật nuôi, do hiện vẫn chưa có quy định chuẩn trong việc bảo quản thuốc thú y tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Bài 1: “GMP” nửa chừngDo quy định trong việc bảo quản thuốc thú y từ lúc xuất xưởng đến khi tới các đại lý bán buôn, bán lẻ chưa đồng bộ nên nhiều loại thuốc khi tới tay người dân chưa bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, giá các loại thuốc cũng chưa được các cửa hàng niêm yết công khai. Đó là những gì đang diễn ra trên thị trường thuốc thú y hiện nay.“Quên” điều kiện bảo quản thuốcHiện nay, tiêu chuẩn GMP chỉ được áp dụng cho các nhà máy sản xuất thuốc thú y; còn các cửa hàng bán lẻ thì không. Thực tế, các cơ sở bán lẻ thuốc do cấp phường xã quản lý. Theo đó, điều kiện bảo quản thuốc cũng “lỏng” hơn. Các cửa hàng chỉ bị yêu cầu bảo quản thuốc trong điều kiện thoáng mát, diện tích cửa hàng trên 10 m2. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù quy định đã dễ như vậy nhưng nhiều cửa hàng vẫn không đáp ứng được.
Một cửa hàng thuốc trên đường Trường Chinh, Hà Nội. |
Đường Trường Chinh (Hà Nội) là trung tâm phân phối các loại thuốc thú y đi các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Ở đây, có khoảng 30 cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên 2.000 loại thuốc thú y. Dẫy ki ốt này bắt đầu từ số nhà 74 đường Trường Chinh, chạy dài khoảng 100 m. Trong đó, có 20 ki ốt được người dân thuê lại của Viện Thú y để kinh doanh.
Trong vai một người đi tìm thuốc thú y cho gia súc, phóng viên báo Tin Tức đã tiếp cận một số cửa hàng tại đây. Theo quan sát của phóng viên, điều kiện bảo quản thuốc ở đây rất kém. Cửa hàng được xây dựng nhiều năm, tường và trần xuất hiện nhiều vệt ẩm mốc, rêu bám lâu ngày, nhiều mảng tường, trần bong tróc.
Theo anh Quang, chủ ki ốt số 2, nhờ quen biết lâu năm nên anh được Viện Thú y cho thuê với giá 2,2 triệu đồng/tháng. Thực tế, ki ốt của anh có chiều ngang rộng khoảng 1,5 m; chiều dài khoảng 6 m, tổng diện tích ki ốt khoảng 9 m2.
Hiệp hội Thuốc thú y Việt Nam cho biết, hầu hết các loại thuốc thú y đều phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 25 độ C trở xuống, thoáng mát. Thuốc được bảo quản không tốt khi được dùng chữa cho động vật bị bệnh, có thể không làm chết động vật nhưng động vật sẽ không khỏi bệnh. Hệ quả là người dân tốn rất nhiều tiền và việc điều trị trở nên phức tạp hơn. |
“Dẫy ki ốt này được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước nên chúng có diện tích nhỏ, quay mặt tiền về hướng tây nên từ trưa đến chiều hứng trọn nắng nóng. Vào mùa hè, nếu nhiệt độ ngoài đường khoảng 350C thì nhiệt độ trong nhà cao hơn tới 2 - 30C”, anh Quang cho biết. Theo quy định, nhiệt độ này được khuyến cáo là không thích hợp cho việc bảo quản thuốc thú y.
Theo quan sát của PV báo Tin Tức, hầu hết các cửa hàng ở khu vực này có diện tích dưới 10 m2, không có phòng điều hòa để bảo quản thuốc. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn bán cả vật nuôi... ngay trong cửa hàng bán thuốc. Cụ thể, khi phóng viên tới thì tại ki ốt số 28, chủ cửa hàng bày bán cả chó, mèo ngay trong quầy bán thuốc và điều này là trái với quy định về bảo quản, buôn bán thuốc.
Bảo quản không tốt, thuốc mất tác dụngThực tế, việc bảo quản không tốt khiến chất lượng thuốc bị giảm sút ảnh hưởng nghiêm trọng tới người chăn nuôi. Anh Xuân Trường, chủ trang trại nuôi lợn tại xã Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương) cho biết: “Cuối năm 2013, đàn lợn bị bệnh về đường hô hấp, tôi mua thuốc kháng sinh từ tiệm thuốc thú y về chữa, nhưng tới gần 4 tháng mà đàn lợn vẫn không khỏi. Thậm chí, càng chữa, lợn càng sút cân. Trong khi đó, chủ cửa hàng nói thuốc được nhập từ Trung ương xuống, bảo đảm chất lượng. Rơi vào tình cảnh này, tôi chẳng biết kêu ai, vì người chăn nuôi chúng tôi không thể tự đánh giá được chất lượng thuốc còn tốt hay đã hỏng”.
Theo các chuyên gia, thuốc thú y được bảo quản trong điều kiện không tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng, làm mất tác dụng của thuốc. Trong điều kiện bình thường, thuốc thú y có hạn sử dụng 2 năm nhưng nếu bảo quản không tốt, chỉ 6 tháng là thuốc sẽ mất tác dụng. “Thuốc bảo quản không tốt khi cho vật nuôi bị bệnh uống, vật nuôi sẽ không khỏi bệnh, thậm chí còn ốm nặng hơn”, ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và Kinh doanh thuốc Thú y cho biết.
Theo Hiệp hội Thuốc thú y, hiện nay, các nhà máy sản xuất thuốc thú y đã áp dụng tiêu chuẩn GMP. Do vậy, chất lượng thuốc sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, khi đến các cửa hàng bán lẻ, chất lượng thuốc lại giảm hẳn. Nguyên nhân là do việc bảo quản thuốc ở các đại lý, cửa hàng bán lẻ không được thực hiện đúng quy định.
Đại diện Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, muốn kinh doanh thuốc thú y, các doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn Chi cục Thú y quản lý về mặt tiêu chuẩn kinh doanh. Những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ thì quận, huyện quản lý. “Dù kinh doanh với quy mô lớn hay nhỏ thì người kinh doanh đều phải tuân thủ nguyên tắc: có chứng chỉ hành nghề và điều kiện cơ sở vật chất kinh doanh thuốc thú y như: nơi bảo quản thoáng mát, có đầy đủ trang thiết bị bảo quản. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nếu cửa hàng không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, hình thức xử lý nhẹ nhất là khiển trách, nặng thì bị phạt tiền và có thể rút giấy phép kinh doanh”, đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cho biết.
Đề cập đến điều kiện bảo quản thuốc tại những cơ sở kinh doanh thuốc như tại đường Trường Chính, đại diện Cục Thú y Hà Nội cho biết, các cửa hàng này phải trang bị quạt làm mát hoặc điều hòa để bảo quản thuốc. Vắc xin thì phải quản trong tủ lạnh. Thời tiết nóng quá, thuốc sẽ không bảo đảm chất lượng.
Hữu VinhBài cuối: Quản lý chặt các cửa hàng