Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Trong tư duy lý luận của Đảng, giai cấp công nhân hiện đại vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại gắn với những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất, lao động có năng suất, chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, hệ tư tưởng khoa học, được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
“Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại chính là khâu chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở, tiền đề để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương - hai trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, tiếp tục củng cố và phát triển những vấn đề lý luận mới, sâu sắc về giai cấp công nhân Việt Nam, cũng như vai trò của tổ chức Công đoàn với công tác xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và ngày càng sâu rộng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 mà văn kiện Đại hội Đảng XIII đặt ra; cung cấp thông tin, tư liệu phụ vụ xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia 2 phiên thảo luận. Phiên 1 với nội dung Cơ sở lý luận, pháp lý về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. Phiên 2: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ: Cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng giai cấp nhân hiện đại, lớn mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới, giai cấp công nhân qua 100 năm phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng kết những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân, xác định những luận điểm nào còn nguyên giá trị, những luận điểm nào cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với yêu cầu của thời đại hiện nay; góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng về giai cấp công nhân.
Đến nay, công nhân nước ta đã có hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Công nhân, lao động nước ta có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp ngày càng cao. Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,2%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao như: dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học...
Các đại biểu cũng phân tích, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; những thành tựu đạt được, những hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích tìm ra các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan của các hạn chế; thảo luận và dự báo xu hướng biến đổi, phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Từ đó, đề xuất giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại, nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học và công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt ở một số ngành, lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…