Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi do nổ mìn, xay nghiền đá, vận chuyển vật liệu… để lại nhiều hệ lụy tiêu cực, tác động lên đời sống người dân.
Tại mỏ đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát Đạt có địa chỉ tại khu Lục Đồi, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, hơn 30 hộ dân sống gần đó luôn thấp thỏm, lo sợ. Ông Bạch Hồng Sơn, nhà đối diện mỏ đá cho biết: Vào khoảng 11 giờ ngày 26/2/2023, mỏ đá nổ mìn làm cả xóm bị rung chấn, nhiều đá văng vào nhà dân, sau đó khói bụi bao trùm không thể thở được. Gia đình ông bị đá văng đâm thủng mái tôn (rộng khoảng 30 cm) và xuống nền sân vương vãi khắp nơi.
"Tâm lý người dân rất nặng nề, không biết sống chết lúc nào mỗi khi mỏ đá hoạt động", ông Bạch Hồng Sơn bức xúc.
Tình trạng đá nổ, rung chấn nhà dân, gây nứt tường nhà, gây tâm lý hoang mang đã tồn tại từ lâu trên địa bàn huyện Kim Bôi. Mỏ đá hoạt động sát khu dân cư đang gây hậu quả nghiệm trọng đến cuộc sống của người dân. Trước đó, gia đình ông Sơn cũng đã chứng kiến nhiều vụ việc đá văng gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông Sơn kể lại, năm trước, khi trẻ con đang chơi nô đùa trong sân nhà, mỏ đá nổ mìn ầm ầm, đất đá văng sang, có những viên đá lớn văng trúng ô tô làm vỡ kính. Có lần ông đang ngồi trong nhà, đá to bằng nửa phích nước văng trúng gốc gây rất nguy hiểm cho người dân.
Gia đình chị Bùi Thị Nghĩa có nhiều vết nứt chằng chịt khắp nhà, trên tường, nóc nhà. Chị Nghĩa chia sẻ, chồng chị bị tai biến phải nằm trong nhà. Mỗi khi mỏ đá nổ mìn cả khu vực rung chuyển.
Nhà anh Phạm Văn Toàn mới xây sát đó cũng đã xuất hiện những vết nứt trên tầng. Anh Toàn bức xúc, mỏ đá hoạt động khiến đá văng rất nguy hiểm và gây rung lắc, rạn nứt, nguy cơ đổ tường, sập nhà. Người dân trong khu vực khẩn thiết đề nghị, Nhà nước có biện pháp xử lý triệt để hoạt động của mỏ đá, trả lại cuộc sống bình yên cho bà con.
Bà Bùi Thị Dinh, hộ dân nằm trong khu vực ảnh hưởng của mỏ đá chia sẻ, mỏ đá này hoạt động từ nhiều năm khiến người dân phải chịu khói bụi bao phủ, ảnh hưởng của hoạt động nổ mìn, nghiền sàng,…
Người dân đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và cũng đã có cán bộ về kiểm tra, xác minh. Song đến nay, những hậu quả mỏ đá gây ra vẫn chưa được giải quyết.
Theo quan sát của phóng viên, mỏ đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát Đạt có khoảng cách với nhà dân chỉ hơn 100m, trong khi theo quy chuẩn kỹ thuật thì mỏ khai thác đá phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu với nhà dân là 500m.
Với những vi phạm, cùng nhiều bức xúc từ người dân, ông Bùi Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bo, huyện Kim Bôi cho biết, huyện đã nhận được phản ánh của người dân kiến nghị về hoạt động của mỏ đá gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần xuống kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động, xử lý vi phạm của mỏ đá. Song vẫn chưa được khắc phục được triệt để. Chính quyền mong muốn, các cơ quan chức năng sớm rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định đối với hoạt động của mỏ đá này để người dân có cuộc sống bình yên.
Tháng 12/2009, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát Đạt được cấp Giấy phép khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Diện tích khu vực khai thác là 2 ha, trữ lượng đá vôi ở cấp 121 là 915.272 m3, thời hạn khai thác 30 năm. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp đã từng bị xử lý do các vi phạm như: vị trí khai thác trong mỏ không đúng theo thiết kế, các công trình xử lý môi trường chưa đảm bảo quy định, việc nổ mìn khiến đá văng ra khu vực xung quanh gây thủng mái nhà dân…
Ông Bùi Duy Hưng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bôi cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về hoạt động của mỏ đá Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát Đạt gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Hiện Phòng đang tham mưu cho chính quyền, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh hoạt động của mỏ đá theo quy định.
Phóng viên tiếp tục khảo sát thực địa tại mỏ đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ánh Hồng, địa chỉ xóm Cầu, xã Hùng Sơn- nơi bị khiếu kiện nhiều năm về việc khai thác đá nhưng chưa được giải quyết ổn thỏa. Năm hộ dân sinh sống bên cạnh mỏ đá đã có ý kiến về việc khai thác đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoa màu, tài sản, nhà cửa, sinh hoạt hàng ngày.
Anh Bùi Văn Giang (xóm Cầu, xã Hùng Sơn) chia sẻ, việc khai thác đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ánh Hồng làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Người dân đã kiến nghị và các cấp có thẩm quyền đã đến kiểm tra nhưng chưa giải quyết thỏa đáng. Các bản cam kết về sử dụng lượng thuốc nổ không được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định dẫn đến việc rung chấn, rạn nứt tường nhà, nguồn nước suối bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh hoạt và tưới tiêu hàng ngày. Bà con mong muốn, chủ doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết, hạn chế ảnh hưởng thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân.
Việc khai thác đá đã trở thành vấn đề gây nhức nhối trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Hòa Bình mà chưa được giải quyết dứt điểm. Thực tế trên đòi hỏi chính quyền địa phương cần khẩn trương làm rõ phương án, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Phải làm sao để việc khai thác tài nguyên khoáng sản của các doanh nghiệp không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống người dân, phục vụ cho việc phát triển kinh tế địa phương một cách ổn định và bền vững trong thời gian tới.