Những vướng mắc trong thực hiện
Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cho biết: Việc thực hiện mô hình 3R phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân trong cộng đồng. Tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế các-bon thấp đã, đang và sẽ trở thành định hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, từ nhiều năm qua, một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang tích cực triển khai mô hình 3R. Vì mô hình này mang lại một số lợi ích cơ bản như nâng cao ý thức của người dân, các doanh nghiệp về vấn đề rác và xử lý rác; giảm ô nhiễm môi trường không khí và nước ngầm; tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí khai thác nguyên liệu; tiết kiệm chi phí thu gom và xử lý rác thải, giảm lượng rác thải hàng ngày; giảm quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác.
Để giúp Việt Nam thực hiện mô hình 3R, từ cuối năm 2006, Nhật Bản đã cử các chuyên gia sang Việt Nam nghiên cứu và hỗ trợ. Tháng 2/2007, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định phê duyệt dự án ''Thực hiện sáng kiến 3R tại Hà Nội để góp phần phát triển xã hội bền vững'', do Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đảm nhiệm, với mức đầu tư gần 49,5 tỉ đồng từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Nội dung quan trọng của dự án là thực hiện các hoạt động về giáo dục môi trường, hướng tới việc cải thiện hệ thống thu gom chất thải rắn đô thị.
Qua thực hiện thí điểm, một số hộ gia đình trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa được tuyên truyền nâng cao kiến thức phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ ngay tại nhà, trước khi đưa ra xe thu gom rác của Công ty môi trường đô thị.
Thay vì chôn lấp hoặc đốt, rác sẽ được tận dụng trong một số hoạt động có lợi ích kinh tế lớn như chăn nuôi lợn, sản xuất phân com-pốt... Dự án tuy mới được triển khai thí điểm nhưng bước đầu đã gắn kết các bên liên quan là đơn vị thu gom - người dân thải rác - nhà máy xử lý rác - nông dân sử dụng phân bón chế biến từ rác.
Theo nhận xét của Công ty URENCO, tại những địa bàn tham gia dự án 3R thì cảnh quan đô thị sạch hơn, hiện tượng vứt rác bừa bãi giảm tối đa. Độ chính xác trong phân loại rác đạt 80-90%. Nhưng để phân loại rác tại nguồn được thực hiện đại trà thì không thể nóng vội mà cần có thời gian, không chỉ xây dựng các quy định mà còn phải tuyên truyền, cải thiện ý thức người dân về thực hiện 3R để góp phần phát triển xã hội bền vững.
Từ dự án ''Thực hiện sáng kiến 3R tại Hà Nội để góp phần phát triển xã hội bền vững'', chúng ta có thể thấy rằng kết quả đạt được của dự án 3R còn khiêm tốn, nguyên nhân do chưa có tính bền vững trong chính sách; đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ; các hộ gia đình vẫn chưa được trang bị thiết bị để phân loại rác thải tại nguồn; do thói quen xả rác bừa bãi của nhiều người vẫn phổ biến.
Mặc dù một số địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện những dự án 3R, song chỉ thực hiện nhỏ lẻ, thiếu định hướng. Các điểm trung chuyển cũng như vận chuyển rác thải chưa được xây dựng, trang bị chưa đủ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xử lý riêng từng loại rác thải. Số lượng doanh nghiệp tham gia áp dụng sản xuất sinh học không nhiều. Một số chủ nguồn thải quy mô lớn lại chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Kiên trì giáo dục, thuyết phục
Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp thực hiện 3R: Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế rác thải ở Việt Nam” do Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, các tham luận của các nhà quản lý và các chuyên gia đều nhận định việc thực hiện mô hình 3R phải được xác định là nhiệm vụ của toàn xã hội và cần có thời gian dài thực hiện. Bởi chiến lược thực hiện 3R là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống chính sách, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
Để làm được điều đó, cần phải kiên trì giáo dục, thuyết phục nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy truyền thông mạnh mẽ để chia sẻ thông tin nhằm hình thành sự hiểu biết tin cậy và hợp tác giữa những người tham gia. Cần có sự hỗ trợ từ chính sách, khuyến khích các hoạt động như thu gom thức ăn thừa và rác thải trên các dãy phố bán hàng hoặc các buổi lễ trao thưởng vì môi trường xanh.
Minh chứng là trong khi nhiều địa phương đang lúng túng, gặp khó khăn trong việc phân loại rác thải tại nguồn thì huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã triển khai có hiệu quả, góp phần giảm chi phí, hạn chế lượng rác thải ra môi trường.
Bởi vì sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh hướng dẫn, UBND huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân việc phân loại rác thải, tiết kiệm chi phí vận chuyển, xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. Hoạt động này ngày càng nhận được nhiều sự đồng thuận từ người dân. Hiện tại ở 12 xã, thị trấn trên 90% hộ dân của huyện Vũ Quang có giỏ đựng để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Một trong những biện pháp nữa là tăng cường quan hệ hợp tác giữa các thành phần tham gia, không ngừng ứng dụng những nghiên cứu khoa học và công nghệ vào hệ thống sản xuất - tiêu dùng cho phép tái chế các vật liệu, phát triển các công nghệ sạch nhằm đẩy mạnh thực hiện 3R ở giai đoạn sản xuất và phát triển kỹ thuật để tăng cường 3R ở khâu thiết kế sản phẩm.
Ngoài ra, cần thông qua cung cấp thông tin về khoa học và công nghệ cho công chúng và những mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học để tổ chức nghiên cứu và chính quyền, cộng đồng địa phương để giới thiệu được những thành tựu khoa học và công nghệ đi vào thực tế cuộc sống của mỗi vùng.
Bắt đầu từ việc khuyến khích mọi người dân, doanh nghiệp tự giác phân loại rác thải, tái sử dụng các sản phẩm giấy, tái chế các sản phẩm nhựa, làm xanh hóa nơi ở và nơi làm việc bằng cây xanh, thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm điện, nước, giấy vệ sinh, ưu tiên việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế việc dùng túi ni lông…
Riêng các tổ chức công đoàn cần chủ động triển khai các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường hiểu biết, nhận thức cho các công đoàn viên, đẩy mạnh thực hiện 3R thông qua các hoạt động phong trào công nhân và người lao động…