Đến thăm nhà ông Lê Thanh Hùng, ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận, khi gia đình ông đang thu hoạch ớt. Ông Hùng phấn khởi chia sẻ, vụ ớt năm nay gia đình thắng lớn. Diện tích ớt trồng 6.000 m2 từ tháng 11/2015 - 2/2016 bắt đầu cho thu hoạch. Từ đó đến nay, 3 ngày, ớt cho thu hoạch một đợt, mỗi đợt 8 - 10 triệu đồng. Giá bán là 15.000 đồng/kg và được thương lái đến tận ruộng thu mua, thu nhập từ ớt đạt gần 300 triệu đồng. Ngoài trồng ớt, ông Hùng còn trồng thêm dưa leo, khổ qua, dưa hấu...
Rau màu được nông dân xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất trồng trên đất sản xuất lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Nhờ chuyển sang mô hình trồng màu, năm 2015, ông Hùng cất lại căn nhà khang trang trên 300 triệu đồng. Hai đứa con ông có điều kiện ăn học tới nơi, tới chốn. Người con lớn vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng y tế tỉnh Kiên Giang. Con út năm nay đã học xong năm thứ hai của Trường Đại học Trà Vinh.
Đánh giá về hiệu quả của việc chuyển đổi này, chị Lê Thị Kiều Oanh, cán bộ Tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp xã Mỹ Thuận cho biết, diện tích trồng màu luân canh trên nền đất lúa toàn xã là 161 ha. Đa số nông dân trồng đều có lãi, cá biệt có hộ lãi mỗi vụ vài trăm triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2016, toàn xã thu hoạch 2.388 tấn rau màu các loại, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha tùy loại.
Ông Trần Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận cho biết, trước đây diện tích trồng lúa có năm được, năm mất mùa do phụ thuộc nhiều vào thời tiết mùa nước nổi, bị hạn hay mặn xâm nhập. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, một số hộ chuyển sang nuôi cá lóc trong mùng lưới, nuôi lợn, hoặc trồng màu. Mấy năm đầu, do không có kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên hiệu quả chưa đạt cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Mỹ Thuận bắt đầu có mức thu nhập cao từ mô hình trồng màu trên nền đất lúa.
Ngoài mô hình trồng ớt thu nhập khá cao của hộ ông Lê Thanh Hùng, các mô hình trồng màu trên địa bàn cũng đem về thu nhập cao cho nông dân ở đây. Trong đó điển hình là hộ ông Nguyễn Chí Tâm, ngụ ấp Sơn Thuận. Với diện tích gần 2 ha, ông Tâm trồng đủ các loại rau màu, cho thu nhập quanh năm. Theo ông Tâm, trước đây, ông chỉ trồng thử 2.000 m2 rồi nâng lên 4.000 m2. Hiện gia đình chuyển toàn bộ diện tích đất lúa gần 2 ha sang chuyên trồng màu.
Theo tính toán của ông Tâm, làm lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay rất bấp bênh, được mùa thì mất giá và ngược lại. Trường hợp mất mùa là trắng tay. Từ khi chuyển sang trồng màu, gia đình có cuộc sống khá hơn. Hàng năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.
Trước hiệu quả của việc chuyển đổi, ông Trần Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận cho biết, xã sẽ hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Theo đó, sẽ quy hoạch lại, hướng dẫn kỹ thuật để người dân chuyển sang trồng các loại rau màu thị trường đang có nhu cầu, như kiệu, dưa leo, dưa hấu, các loại rau ăn lá ngắn ngày. Đây là các loại nông sản được giá, có vòng quay vốn nhanh, nên nông dân có thể trồng luân canh 2 lúa - 1 màu hoặc 2, 3 màu - 1 lúa và có nơi sẽ chuyên canh màu. Từ đó, nông dân vừa có thu nhập ổn định lại giảm áp lực “chống chịu” với hạn, mặn.
Hòn Đất là huyện có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh Kiên Giang, sản lượng hơn 1 triệu tấn/năm. Liên tiếp mấy vụ vừa qua, sản xuất lúa gặp khó khăn do hạn, mặn xâm nhập; đầu ra cũng không ổn định. Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình sang luân canh rau màu ở Mỹ Thuận là hướng đi hiệu quả giúp bà con phát triển kinh tế gia đình.