Không cần thông báo khi thanh tra đột xuất về bảo vệ môi trường

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bổ sung quy định thanh tra, kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được áp dụng theo quy định đặc thù, không phải công bố, thông báo trước, nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động thanh, kiểm tra.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định và trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân. Việc kiểm tra thực hiện chồng chéo giữa các cơ quan tài nguyên môi trường như Cảnh sát môi trường, Ban Quản lý Khu công nghiệp, UBND các cấp và các lực lượng khác, dẫn đến doanh nghiệp một năm phải tiếp đến hàng chục đoàn hoặc một tháng phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra, khảo sát...

Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế hiện nay, mỗi doanh nghiệp ít nhất cũng phải tiếp từ 3 - 4 đoàn/năm. Đặc biệt, có rất nhiều vụ việc vi phạm các cơ quan quản lý Nhà nước đang tiến hành thanh tra, nhưng nhiều lực lượng khác vẫn vào làm việc độc lập và lập biên bản vi phạm để xử phạt trùng lên nhau, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Để khắc phục những bất cập này, tại điểm b, khoản 2, Điều 174 Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (BVMT) nêu: Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không công bố trước trong trường hợp cần thiết.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và môi trường kiểm tra việc khắc phục các lỗi vi phạm về môi trường của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tháng 4/2017. Ảnh: Công Tường/TTXVN.

Liên quan đến đề xuất này, báo cáo thẩm tra dự luật của Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường (cơ quan thẩm tra dự luật) cho biết, có nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần thận trọng xem xét kỹ vấn đề này, vì việc thanh tra đột xuất đã được quy định mang tính nguyên tắc tại Luật Thanh tra; trường hợp cần quy định trong dự thảo Luật thì phải xác định rõ nguyên tắc, điều kiện tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc phân công trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thanh tra chuyên ngành về BVMT tại điểm c khoản 5 Điều 56 và điểm đ khoản 1 Điều 185 là chưa phù hợp với pháp luật về thanh tra. 

Trao đổi với báo chí về đề xuất này, ông Lương Duy Hanh, đại diện Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết lý do đưa ra đề xuất trên nhằm tăng cường hiệu quả các cuộc thanh tra đột xuất, đề phòng trường hợp đối tượng bị thanh tra biết trước có hành động đối phó với công tác thanh tra.

“Thực tế có lần chúng tôi vào thanh tra môi trường một đơn vị ở Lào Cai thì thấy đơn vị này ghi hẳn lên bảng kế hoạch cách đối phó với đoàn thanh tra”, ông Hanh cho biết.

Ông Hanh cũng khẳng định, việc thanh tra đột xuất không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị bị thanh tra, vì đã được quy định chặt chẽ, cụ thể. Đặc biệt, chỉ được tiến hành thanh tra đột xuất khi được Bộ trưởng Bộ TN&MT hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định thanh tra về bảo vệ môi trường không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân hoặc không quá một lần trong hai năm liên tiếp đối với các tổ chức, cá nhân. Quy định này sẽ hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Về nội dung này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ công bố trước khi tiến hành thanh tra theo kế hoạch, thanh tra hành chính, thanh tra thường xuyên. Còn khi có tin báo hoặc tố cáo về hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan quản lý phải được thanh tra đột xuất không cần báo trước, vì nếu thông báo trước, những chứng cứ vi phạm sẽ bị tẩu tán hết.

"Tôi đồng ý với dự luật là thanh tra đột xuất không cần thông báo trước để việc ngăn chặn vi phạm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần quy định rõ người ký quyết định thanh tra, trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh tra của mình", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Để việc thanh, kiểm tra không bị chồng chéo giữa các cơ quan, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá, xem xét, xử lý việc chấp hành pháp luật thì giao cho cơ quan quản lý nhà nước. Còn việc trinh sát, phòng chống tội phạm về môi trường thì giao cho cảnh sát môi trường, từ đó phân định rõ trách nhiệm. Để tránh tình trạng sáng gặp thanh tra của ngành tài nguyên - môi trường, chiều lại gặp cảnh sát môi trường hoặc gặp cùng lúc cả hai lực lượng thì Thủ tướng Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền để tránh chồng chéo.

Dự án Luật BVMT (sửa đổi) đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Sáng 10/6, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về Dự án luật này. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Thúc đẩy thị trường tái chế, xử lý chất thải
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Thúc đẩy thị trường tái chế, xử lý chất thải

Chương VI dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN