Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, với mục tiêu hình thành một đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về bảo vệ môi trường của các luật có liên quan.
Qua quá trình rà soát, về nội dung những công cụ kinh tế được quy định trong dự thảo Luật như thuế, phí bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đang trong quá trình hội nhập nên thực tiễn còn nhiều vấn đề bất cập, do đó để đi tới quan điểm chung cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ. Đối với nội dung về Quỹ Bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công và quy hoạch, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cơ bản thống nhất với những ý kiến được cơ quan soạn thảo nêu ra.
Trong bối cảnh môi trường hiện nay ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong góc độ quản lý nhà nước, sự quyết tâm trong việc thực hiện dự án Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (sửa đổi) với nhiều quan điểm cải cách, tư duy đổi mới phù hợp với tiến trình phát triển hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (sửa đổi) đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam cao hơn trước đây, thậm chí cao hơn các nước tiên tiến trên thế giới để thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược mới với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững.
Liên quan đến xây dựng, một số nội dung còn chồng chéo như trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, tại khu đô thị, khu dân cư tập trung đông; quy định cấp giấy phép xây dựng liên quan đến hạng mục, công trình xử lý môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cần đảm bảo tính đồng bộ hệ thống pháp luật để tăng hiệu quả quản lý nhà nước, mỗi lĩnh vực phải có bộ luật gốc. Liên quan đến môi trường, Luật Xây dựng phải bám theo để đảm bảo tính thống nhất, một lĩnh vực chỉ giao cho một bộ quản lý, các bộ khác phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ liên quan và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ những nhiệm vụ này. Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trong Luật Xây dựng đồng bộ về cấp nước, thoát nước trong khu đô thị nên quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ tập trung làm rõ quy chuẩn, tiêu chuẩn chất thải rắn sinh hoạt, nước thải.
Công trình thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng. Công trình không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm kiểm soát đối với công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, các bộ làm rõ những vấn đề còn tồn tại, thống nhất các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 (sửa đổi).
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện đang có hai phương án cho dự án đầu tư, nếu do các bộ phê duyệt, khâu thẩm định do các bộ thực hiện để giảm tải cho địa phương. Phương án 2 theo hướng triệt để, thẩm định dự án giao cho địa phương để quản lý sát và theo dõi, quản lý cả vòng đời dự án.
Do Luật Xây dựng 2014 và dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi chưa có quy định về tiêu chí và hoạt động chứng nhận khu đô thị sinh thái nên thực tế chưa khuyến khích phát triển mô hình này. Về bản chất, khu đô thị cũng là một loại hình dự án kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải cần được xử lý, phải thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường. Để thống nhất quan điểm một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện và chịu trách nhiệm, đồng thời khuyến khích phát triển các khu đô thị sinh thái thân thiện môi trường, cần bổ sung quy định về trách nhiệm thống nhất xây dựng tiêu chí, chứng nhận nhãn sinh thái cho các cơ sở, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Đối tượng này sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Điều 152 dự thảo Luật.
Quản lý nhà nước về khu đô thị, khu dân cư tập trung… do Bộ Xây dựng; xử lý nước thải, chất thải trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.