Thu tiền theo khối lượng rác
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90% còn TP Hồ Chí Minh tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Hiện nay việc thu phí cho chất thải rắn sinh hoạt chỉ đáp ứng một phần cho công tác thu gom, xử lý.
Cùng với đó, dù Luật Bảo vệ môi trường hiện hành và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ nguồn thải phải thực hiện công tác phân định, phân loại chất thải tại nguồn, nhưng hầu như không thực hiện được nên còn nhiều bất cập.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, theo nguyên tắc của thị trường, người xả rác phải tự chịu chi phí thu gom, xử lý nên xả rác càng nhiều càng phải nộp nhiều tiền. Việt Nam thu phí rác theo bình quân hộ gia đình, do vậy dù thải ra nhiều hay ít cũng chỉ nộp từng ấy tiền. Nguyên tắc cào bằng không khuyến khích được người dân hạn chế xả rác cũng như phân loại rác tại nguồn.
Trước thực tế đó, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến sẽ sửa đổi, thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền, đồng thời thúc đẩy phân loại rác tại nguồn.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, sẽ phân loại chất thải sinh hoạt làm 4 nhóm, gồm: Chất hữu cơ dễ phân hủy như rau quả, cơm thừa; nhóm có thể tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải cồng kềnh như bàn ghế, sofa và nhóm chất thải phải xử lý.
Về cách thức thực hiện, sẽ giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ định đơn vị có chức năng sản xuất bao bì thu gom. Mỗi loại rác thải sẽ đựng trong một bao bì có màu sắc và giá tiền khác nhau. Tiền thu từ việc bán bao bì, bên cạnh việc bù chi phí sản xuất sẽ được dùng cho việc thu gom, vận chuyện và xử lý chất thải rắn.
Hộ gia đình có khối lượng chất thải phát sinh dưới 300 kg mỗi ngày có thể lựa chọn hình thức mua túi của UBND các tỉnh, thành. Trong trường hợp lượng chất thải lớn hơn 300 kg, các tổ chức, cá nhân phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác thải.
Cho người dân thấy được hiệu quả từ môi trường sạch
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền tiệm cận với các nước tiên tiến, cần khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để người dân thấy được hiệu quả của việc trả tiền xử lý ô nhiễm. Ở các nước phát triển, người dân phải trả phí cho hoạt động bảo vệ môi trường rất nhiều. Ngược lại họ được thấy môi trường trong sạch, không rác thải bừa bãi, kênh mương trong xanh.
Với mức sống hiện nay, nhiều người dân đô thị có thể sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải với điều kiện họ thấy được khu phố mình sống sạch sẽ hơn, không còn rác thải vứt bừa bãi, không còn mùi hôi khi đi qua những chỗ tập kết rác. Vì vậy, vấn đề sử dụng nguồn kinh phí như thế nào rất quan trọng.
Theo đại diện Tổng cục Môi trường, quá trình dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Quan điểm sửa đổi coi rác là tài nguyên, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng.
Đồng thời, để quy định này có tính khả thi, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết, trường hợp người dân đô thị không sử dụng túi đựng rác chuyên dụng sẽ không được thu gom rác, hành vi vứt rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nặng. Ngoài ra sẽ huy động cộng đồng dân cư cùng giám sát việc thực hiện.
Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp vào tháng 5/2020 và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới.