Khám bệnh cho 4.000 người dân Chương Mỹ sau khi nước rút

Ngày 16/8, tại trụ sở UBND xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu Hà Nội và Bệnh viện Chương Mỹ đã tổ chức khám bệnh cho bà con trong xã Hoàng Văn Thụ, bị ảnh hưởng trong đợt úng ngập vừa qua.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ (ảnh chụp ngày16/8). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, trong đợt này, ngành Y tế sẽ tổ chức khám bệnh cho khoảng 4.000 người dân các xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Mỹ Lương, Tốt Động của huyện Chương Mỹ, là những địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt ngập lụt vừa qua.

"Huyện Chương Mỹ đã từng có những ổ dịch tả, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm não nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau úng ngập rất cao nếu không xử lý tốt môi trường, đặc biệt là bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, theo khuyến cáo của Sở Y tế, các bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng cũng rất dễ phát sinh trong dịp này. Để phòng chống dịch bệnh, huyện Chương Mỹ đã tập trung tất cả các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh. Hiện huyện đã hoàn thành phun hóa chất xử lý môi trường, đang khám sức khỏe cho người dân và sắp tới sẽ tiếp tục phun hóa chất diệt côn trùng phòng dịch sốt xuất huyết", ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tấm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết.

Theo ông Lê Hoài Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ, đây là trận úng ngập kéo dài và mực nước sông Bùi lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống nên diện tích ngập lụt bị thiệt hại thấp hơn năm ngoái. Năm ngoái, cả xã Hoàng Văn Thụ có 800 ha bị ngập thì năm nay giảm xuống 1 nửa. Công tác y tế đã được đáp ứng tốt trong và sau đợt úng ngập. Ngoài trạm y tế, xã bố trí các chốt y tế tại nhà văn hóa các thôn để cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân biện pháp phòng bệnh. Qua đợt úng ngập, trên địa bàn chưa phát sinh dịch bệnh, chỉ có một số trường hợp đau mắt đỏ và bệnh ngoài da nhưng số lượng rất ít.

Cùng với hàng trăm người đến khám bệnh tại trụ sở xã Hoàng Văn Thụ, bà Nguyên Thị Vui ở thôn Thuần Lương, xã Hoàng Văn Thụ cho biết, sau khi nước rút trở về nhà, gia đình chị cùng bà con trong thôn đã khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, thu gom hết rác thải từ bến nước trôi vào nhà để ổn định sinh hoạt. Sau khi được nhân viên trạm y tế đến tận nhà phun thuốc khử trùng, hôm nay lại được đi khám bệnh, chị cũng cảm thấy yên tâm hơn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong thời gian ngập úng, công tác y tế đã được các đơn vị đáp ứng kịp thời cho những khu vực bị ngập lụt. Trạm y tế các xã bị ảnh hưởng đã thành lập các khu khám bệnh lưu động tới các thôn ngập lụt để khám và cấp thuốc cho người dân. Sở đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành như Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu Hà Nội và Trung tâm y tế, các bệnh viện huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, tập trung nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh tại các địa bàn vùng bị ngập úng.

Nhờ thực hiện tốt công tác y tế, trong thời gian ngập úng chỉ ghi nhận một số bệnh ngoài da và đau mắt. Trong đó, huyện Chương Mỹ ghi nhận 59 trường hợp viêm kết mạc và 150 trường hợp bệnh ngoài da, chủ yếu là bị nước ăn chân. Tại huyện Quốc Oai có 3 trường hợp viêm kết mạc và 100 trường hợp bệnh ngoài da. Huyện Mỹ Đức có trên 100 trường hợp đến khám bệnh ngoài da, chủ yếu là nước ăn chân.

Tuyết Mai (TTXVN)
Đời sống người dân vùng ngập Chương Mỹ dần ổn định
Đời sống người dân vùng ngập Chương Mỹ dần ổn định

Đến ngày 16/8, nước cơ bản rút, nhân dân các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) đang tập trung dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN