Hướng đến thành phố thông minh

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính, hướng đến việc xây dựng chính quyền điện từ và một thành phố thông minh là những mục tiêu quan trọng của TP Hồ Chí Minh trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Định hướng này đang tạo ra những hiệu quả tích cực, giảm thiểu những phiền hà của người dân, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Từ những vấn đề cụ thể

Một trong những hành động cụ thể nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính là mới đây, Thành phố đã cương quyết “cấm tiệt” thư mời họp bằng giấy kể từ cuối tháng 7. Phó chủ tịch UBND TP HCM, Trần Vĩnh Tuyến cho rằng: “Thay vì phải thuê người đi chuyển thư mời thì việc gửi thư mời điện tử đến thủ trưởng cấp sở, ngành, quận, huyện… theo hệ thống vừa nhanh vừa đỡ tốn kinh phí rất nhiều. UBND TP sẽ tiến tới việc không dự bất cứ nội dung họp của sở ngành, quận huyện mà gửi thư mời giấy. Đây là việc trong tầm tay có thể làm được, vì rằng, mỗi chuyện gửi thư mời điện tử, rất đơn giản mà không làm được thì làm sao xây dựng chính quyền điện tử.

Ứng dụng CNTT sẽ làm giảm thời gian chờ đợi khi làm thủ tục thuế. Ảnh TTXVN

Riêng đối với ngành Thuế, tính đến ngày tháng 7/2016, TPHCM đã có trên 168.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký kê khai thuế qua mạng, chiếm trên 99% tổng số DN đang hoạt động, với trên 11 triệu tờ khai các loại. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Thuế TP cố gắng giữ tỷ lệ 90% DN thực hiện nộp thuế điện tử mà Tổng cục Thuế giao. Về liên thông giữa thuế và tài nguyên môi trường, từ đầu năm đến nay có trên 30.000 hồ sơ đến ngành thuế đăng ký nộp lệ phí trước bạ, trong đó đăng ký nộp trực tiếp là 26.000 hồ sơ, liên thông là 4.000 hồ sơ… Ông Mai Văn Quang, Trưởng phòng Tin học Cục Thuế TP.HCM cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, Cục Thuế TP đã triển khai các dự án ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, gồm: kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, liên thông giữa thuế và tài nguyên môi trường, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, ủy nhiệm thu thuế, văn phòng điện tử.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh, năm 2016 Thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi và hiệu quả trong mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, làm cơ sở để phục vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố. Cụ thể, đối với các cơ quan Nhà nước, Thành phố đang triển khai nhân rộng hệ thống giao ban trực tuyến, tiếp tục đẩy mạnh việc liên thông kết nối văn bản điện tử trong nội bộ Thành phố qua phần mềm quản lý văn bản, tăng số lượng văn bản thực hiện hòan toàn qua hệ thống điện tử dần tiến tới bỏ văn bản giấy. Tiếp tục triển khai nhân rộng, hòan thiện phần mềm ứng dụng phục vụ hành chính công cho người dân tại các Sở, ngành, quận, huyện. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang tiếp tục hòan chỉnh các hệ thống thông tin chuyên ngành…

Thành phố cũng chuyển đổi mô hình Cổng thông tin điện tử theo mô hình chính quyền cung cấp thông tin cho người dân thành Cổng giao dịch điện tử dưới dạng chính quyền giao dịch với người dân. Triển khai mở rộng các ứng dụng giao dịch phục vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp tại địa phương và phát triển các dịch vụ công trực tuyến. Trong năm nay, Thành phố sẽ triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân tại các sở, ngành, quận, huyện nhằm cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công tại các cơ quan nhà nước, đồng thời tăng cường chất lượng và hiệu quả công việc tại các cơ quan nhà nước.

Đến Thành phố thông minh

Mục tiêu của Thành phố là xây dựng đô thị thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, đặc biệt là dịch vụ hành chính công cho nhân dân, doanh nghiệp và tổ chức. Các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn, thông tin chỉ đạo điều hành, công việc cũng được giám sát và theo dõi chặt chẽ. Việc xây dựng chính quyền điện tử sẽ góp phần công khai, minh bạch hóa trong hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng lòng tin với nhân dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Vĩnh Tuyến, rào cản lớn trong việc xây dựng một chính quyền điện tử hiện nay là vấn đề nhận thức. Một số cấp lãnh đạo trong bộ máy chính quyền còn chưa muốn áp dụng công nghệ thông tin vào đơn vị của mình. Điều này dẫn đến hậu quả là khó cải cách hành chính, tình trạng nhũng nhiễu, thiếu minh bạch trong quản lý tăng. Việc thiếu minh bạch này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, làm mất lòng tin của người dân.

Chia sẻ về những mục tiêu sắp tới, ông Tuyến cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều lĩnh vực. Đẩy mạnh việc tích hợp, liên thông, khai thác cơ sở dữ liệu quản lý liên ngành nhằm phục vụ công tác quản lý của thành phố. Mục tiêu cụ thể được đặt ra là 100% các văn bản chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi dưới dạng điện tử, trừ các văn bản, tài liệu có độ mật. thành phố cũng tập trung triển khai các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành đối với những lĩnh vực nóng liên quan đến người dân và doanh nghiệp như đất đai - xây dựng, bảo hiểm, hộ tịch… phấn đấu đến trước ngày 1-10, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của TP đạt 20% - 30%.

Thành phố cũng sẽ mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình đến xã vùng xa thuộc các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè. Trong năm nay, TP cũng đưa ra mục tiêu Để xây dựng chính quyền điện tử, bên cạnh vấn đề đầu tư về hệ thống máy móc, ứng dụng các phần mềm quản lý, điều hành hiện đại đồng bộ thì TP cũng đang nỗ lực đào tạo một đội ngũ “cán bộ, công chức điện tử” và tuyên truyền để nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho công dân, từ đó có “công dân điện tử” cho người dân TP.

Nói về mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh, Chủ tịch UBND TP HCM, Nguyễn Thành Phong cho biết, việc xây dựng “Thành phố thông minh” đang là một trong những công tác trọng tâm của TPHCM nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng môi trường sống và chất lượng phục vụ người dân và tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của người dân đối với các hoạt động của chính quyền thành phố. Dự kiến đến tháng 11/2016, TP.HCM sẽ có đề án chi tiết về việc xây dựng “Thành phố thông minh”. Trong đó, mục tiêu chung là đến năm 2025 phấn đấu xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố thông minh và là một trong những trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu khu vực.

Để thực hiện mục tiêu trên, trước mắt TP.HCM sẽ ưu tiên triển khai việc tổ chức tích hợp toàn bộ dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin sẵn có của từng sở ngành, địa phương vào một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực. Việc xây dựng đề án “Thành phố thông minh” sẽ được chính quyền Thành phố tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân nhằm có ý kiến phản hồi, góp ý cho chính quyền trong quá trình xây dựng đề án.
Lê Hiền
Phát triển chính quyền điện tử hướng tới Đô thị thông minh
Phát triển chính quyền điện tử hướng tới Đô thị thông minh

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh (TPHCM) và Microsoft Việt Nam chính thức ký Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng đô thị thông minh và phát triển bền vững tại TPHCM.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN