Giới thiệu những thành tựu y tế xuất sắc của Nhật Bản, phát triển mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên lĩnh vực y tế là những nội dung chính của cuộc Hội thảo quốc tế diễn ra tại Hà Nội ngày 26/8. Đây là Hội thảo y tế lần đầu tiên được tổ chức bởi sự kết hợp giữa Chính phủ và các đơn vị kinh tế, tập đoàn kinh tế tư nhân của hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam tổ chức sự kiện này.
Hội thảo là diễn đàn để các giáo sư hàng đầu về lĩnh vực tim mạch, ung bướu Nhật bản, Việt Nam trình bày về bệnh ung thư, bệnh tim mạch cũng như những giải pháp đối phó với các căn bệnh trên trong cuộc sống hàng ngày; những phương pháp khám chữa bệnh hiện đại dựa trên những thiết bị kỹ thuật y tế tiên tiến nhất…
Các đại biểu tham quan thiết bị y tế của Nhật Bản được trưng bày tại Hội thảo. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo sư nhiều trường đại học y khoa Nhật Bản, nhiều giáo sư hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực ung bướu; đại diện lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam, các Trung tâm ung bướu, tim mạch của Việt Nam, cơ sở sản xuất thiết bị y tế cùng hàng trăm bác sĩ chuyên ngành tim mạch, ung bướu Việt Nam…
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ ý nghĩa quan trọng của hội thảo; nhấn mạnh, vấn đề hội thảo đặt ra thu hút được sự quan tâm của cộng đồng và của các cấp lãnh đạo chính trị. Năm 2013, hai nước Việt Nam và Nhật Bản tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao; 40 năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được phát triển. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngày nay đã vươn lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. Những thành tựu Việt Nam đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân có phần đóng góp có ý nghĩa từ sự ủng hộ và giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. Hiện Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất với Việt Nam.
Trên lĩnh vực y tế, viện trợ không hoàn lại và ODA của chính phủ Nhật Bản thời gian qua đã giúp Việt Nam xây dựng 3 bệnh viện đầu ngành ở 3 miền Bắc - Trung – Nam (Bạch Mai, Huế, Chợ Rẫy). Viện trợ ODA của Nhật Bản giúp Việt Nam phát triển mạng lưới bệnh viện vùng, tỉnh; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho bệnh viện tỉnh để giảm tải cho các bệnh viện trung ương. Hàng loạt các dự án hỗ trợ Việt Nam tại các chương trình tiêm chủng, xây dựng phòng xét nghiệm, hỗ trợ thuốc tamiflu đế đối phó với dịch bệnh.
Nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư xây dựng ở Việt Nam nhà máy sản xuất thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu… Hội thảo hợp tác y tế Nhật Bản – Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa trong dịp hai nước kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, là minh chứng mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Yasuaki Tanizaki trong phát biểu của mình đã nhấn mạnh đến hiệu quả của viện trợ không hoàn lại và viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam. Đại sứ đánh giá cao những bước phát triển vững chắc của Việt Nam trên một số lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị- xã hội nói chung và trên lĩnh vực y tế nói riêng. Đại sứ chia sẻ về việc Nhật Bản là nước có tuổi thọ trung bình người dân cao; Việt Nam giờ đây tuổi thọ trung bình của người dân cũng tăng chục tuổi so với trước.
Cùng với sự già hóa về lao động là sự bùng phát của các loại bệnh người già như bệnh huyết áp, tim mạch… Ở Việt Nam, bệnh nhân hầu hết tập trung về các bệnh viện ở trung ương, gây không ít khó khăn cho công tác khám điều trị. Với kinh nghiệm và năng lực của mình, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam khắc phục một số bất cập trong lĩnh vực y tế nói trên.
Hội thảo đã nghe Giáo sư Kazuhiro Eto, Giám đốc MEJ (Medical Exellen of Japan) – một đơn vị có 26 hãng sản xuất thiết bị y tế, 57 trường đại học khác nhau nằm trong mạng lưới, trình bày chức năng của MEJ. Giám đốc MEJ nhấn mạnh, với chức năng cung cấp dịch vụ y tế ra nước ngoài, MEJ có điều kiện hợp tác với Việt Nam trong việc cung cấp các trang thiết bị y tế theo đúng tinh thần “chính xác, cẩn thận, quan tâm, an toàn”, xây dựng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa.
Giáo sư tim mạch hàng đầu Nhật Bản, Giáo sư danh dự của Học viện Havard và Thái Lan, ông Shunji Sano - người đã có mặt ở Việt Nam cách đây 5 năm, trực tiếp mổ các ca bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em Việt Nam bằng công nghệ kỹ thuật mới nhất đã thuyết trình về bệnh tim trẻ em, kỹ thuật mổ và việc đào tạo bác sĩ phẫu thuật tim…
Thạc sĩ- Bác sĩ Phạm Văn Thái ở Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó giám đốc Viện Tim mạch đã trình bày về các nội dung: “Tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thu ở Việt Nam hiện nay”, “Điều trị bệnh tim mạch ở Việt Nam”.
Hội thảo cũng đã giới thiệu tham luận của nhiều nhà sản xuất, nhà chuyên môn với các thông điệp: Góp phần nâng cao sức khỏe người Việt Nam bằng việc tăng cường dịch vụ y tế có sử dụng nội soi; Tập đoàn Hitachi đóng góp cho sự phát triển chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam; Bảo vệ bạn và gia đình bằng kỹ thuật cải tiến ưu việt nhất; Giới thiệu hệ thống hạt trị liệu Mitsubishi Electric trong điều trị ung thư; Nhanh chóng chữa cho bệnh nhân ung thư; Thay đổi cách điều trị bằng Dynamic Volume CT…
Công Hải