Người dân chưa mặn mà với bảo hiểm y tế

Để giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương từ nay đến hết năm 2013 sẽ triển khai khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) ở tất cả các trạm y tế (TYT) phường, xã trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, phần lớn các TYT phường, xã hiện nay gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, bởi người bệnh cảm thấy “chưa yên tâm”.


Người bệnh “chê” TYT


Với những lợi ích thiết thực mà BHYT đem lại, trong những năm qua số người tham gia BHYT ngày càng tăng lên. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, kể từ khi triển khai khám chữa bệnh BHYT đến nay, Thành phố đã có trên 4,8 triệu người tham gia, chiếm 63,4% số dân thành phố. Số người tham gia khám chữa bệnh bằng BHYT ngày càng đông, cộng với việc có hơn 50% người dân ở các tỉnh lân cận lên thành phố khám chữa bệnh bằng BHYT, đã dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa.

Thiếu niềm tin vào trạm y tế phường, xã, người dân đổ xô lên bệnh viện tuyến quận, huyện khám, chữa bệnh dù phải mất nhiều thời gian chờ đợi.

 

Trong khi nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng vì phải tiếp hàng nghìn lượt bệnh nhân mỗi ngày, thì tại các TYT phường, xã lại vắng bệnh nhân. Trước thực trạng trên, Thành phố đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các TYT phường, xã và thực hiện thí điểm khám chữa bệnh bằng BHYT ở TYT phường, xã. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều người bệnh vẫn “chê” các TYT.
Đại diện phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thành phố đã thực hiện thí điểm khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT ở ba phường của quận Bình Thạnh. Thời gian đầu, số bệnh nhân chuyển từ bệnh viện quận xuống TYT phường khoảng 30 - 40 người/tháng, nhưng càng về sau lượng người càng ít dần đi. Có tháng chỉ có 5 - 6 người đến khám. Bà Nguyễn Thị Diệu Thu, ngụ quận Bình Thạnh, cho biết: “Dù phải chờ đợi lâu nhưng mỗi khi bị ốm tôi vẫn lên bệnh viện quận để khám vì khám ở TYT phường thấy không yên tâm. Tới bệnh viện lớn khám biết đâu phát hiện bệnh kịp thời vì có trang thiết bị đầy đủ, bác sỹ giỏi”.


Cần lộ trình rõ ràng


Tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn đã làm hạn chế công tác khám chữa bệnh ở đây. Do đó, từ cuối năm 2011, Sở Y tế thành phố đã tổ chức nhiều đợt thẩm định, đánh giá các trung tâm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố để tham gia vào công tác khám chữa bệnh bằng BHYT. Đến nay, thành phố đã có hơn 90 TYT phường, xã thuộc 10 quận, huyện triển khai khám chữa bệnh bằng BHYT. Từ nay đến hết năm 2013, thành phố sẽ triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng BHYT tại các TYT phường, xã trên địa bàn.


Trong giai đoạn 2015 - 2020, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ 15 bác sĩ/vạn dân vào đầu năm 2015 và 20 bác sĩ/vạn dân năm 2020; 100% trạm y tế xã có ít nhất 1 bác sĩ. Riêng lĩnh vực y tế dự phòng và tuyến y tế cơ sở đạt 30% cán bộ y tế trên tổng số cán bộ y tế của ngành.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện này sẽ gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế bởi đội ngũ bác sỹ cũng như các trang thiết bị, cơ sở vật chất trang bị cho các TYT phường, xã hiện chưa sẵn sàng, cũng như chưa đủ năng lực tiếp nhận công việc này. Do đó, để thực hiện thành công chủ trương đưa việc khám, chữa bệnh bằng BHYT về tuyến phường, xã thì cần phải có lộ trình và các biện pháp phù hợp tình hình thực tế. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, về cơ sở vật chất, trước mắt có thể khắc phục được chứ còn về nguồn nhân lực thì cần phải có thời gian đào tạo.


Tuy nhiên, theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để thực hiện được lộ trình trên, thành phố sẽ sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư cho nhân lực, thiết bị y tế, cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện khám chữa bệnh bằng BHYT của người dân.


Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, bởi các TYT phường, xã thuộc Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện nên không có thẩm quyền ký BHYT. “Trước đây việc khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh tại TYT phường, xã không được BHYT thanh toán thì nay sẽ được thanh toán. Song song đó, BHYT thành phố cùng với bệnh viện và Trung tâm y tế quận, huyện cũng sẽ phải thống nhất liên thông với nhau”, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN