Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà phấn khởi cho biết, cuối năm 2016, xã Hòa Bắc đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thành quả đó là sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã; đồng thời tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Trung ương, thành phố và huyện. Với xuất phát điểm ban đầu thấp chỉ đạt 5/19 tiêu chí, xã Hòa Bắc xác định, tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó làm sau, mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát huy tốt vai trò của cộng đồng theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ", không để tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích.
Mô hình nuôi dê nhốt của gia đình ông Nguyễn Trung, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Qua 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến năm 2016 Hòa Bắc đã đạt chuẩn nông thôn mới và cũng là xã cuối cùng đạt chuẩn của huyện Hòa Vang (huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015). Điều phấn khởi nhất là nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả đã ra đời và được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống nông hộ, đường làng ngõ xóm xanh sạch đẹp, đặc biệt người đồng bào dân tộc Cơ Tu đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, không còn hộ đói, nhiều gia đình có của ăn, của để, xây được nhà mới khang trang.
Hòa Bắc là xã có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, vùng đồng bằng hàng năm bị ngập lụt, vùng núi cao khó khăn trong việc trồng cây công nghiệp, thiếu nước và bị khô hạn; gia đình chính sách và hộ theo theo tiêu chuẩn thành phố còn nhiều. Đặc biệt hai thôn Tà Làng và Giàn Bí, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Tu trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Bắc đã huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, kiện toàn hoạt động của các tổ sản xuất, triển khai thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, từ đó nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả ra đời như: mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò, tổ hợp tác nuôi dê, phát triển nghề trồng mía...
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,44 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm xuống còn 4,38%. Các tiêu chí về giáo dục, y tế, điện, nhà ở dân cư…đều đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Nguyễn Trung, thôn Nam Yên phấn khởi cho biết, từ khi có chương trình nông thôn mới, xã Hòa Bắc đã thay đổi nhiều so với những năm trước đây, đường sá đi lại thuận lợi, nhà cửa được xây dựng khang trang. Người dân còn được hỗ trợ, hướng dẫn các phương thức sản xuất mới để nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Gia đình ông Trung cũng vừa đầu tư hơn 100 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi nhốt chuồng.
Thôn Giàn Bí là một trong hai thôn nghèo nhất của xã, thôn có 130 hộ, với 470 nhân khẩu; trong đó có 128 hộ là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Đến nay, đời sống của người dân trong thôn từng bước được nâng lên, đường bê tông được kiên cố hóa, môi trường xanh sạch đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang được xây dựng, nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông trải dài từ đầu làng đến cuối xóm, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí Đinh Văn Như chia sẻ: Trước đây, người dân trong thôn do chưa nhận thức rõ về kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào rừng tự nhiên nên nhà nào cũng nghèo, cũng đói.
Xác định việc xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Đảng viên trong Chi bộ luôn đi đầu trong các phong trào, theo phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", từ đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong thôn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc Cơ Tu trong thôn. Đến nay, trong thôn không còn hộ đói, 100% các cháu trong độ tuổi được cắp sách tới trường; đường làng ngõ xóm được bê tông hóa xanh sạch đẹp, nhiều hộ trong thôn đã có của ăn của để từ việc nuôi trâu bò, trồng keo.
Trước đây, do canh tác chủ yếu dựa vào rừng tự nhiên nên cái đói, cái nghèo luôn đeo đẳng gia đình chị Hà Thị Dương Thủy, thôn Giàn Bí. Từ khi được Ngân hàng chính sách thành phố hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, đến nay nhà chị Thủy đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Chị Thủy phấn khởi nói: "Nhờ Đảng và Nhà nước hỗ trợ gia đình vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, đến nay, gia đình mình có 6 con trâu và trồng 3ha keo. Từ ngày trồng keo, nuôi trâu, gia đình mình đã xây được ngôi nhà mới khang trang không phải lo sợ mỗi khi mưa bão về".
Những nỗ lực từ sự đồng thuận của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đã đưa xã Hòa Bắc về đích theo đúng lộ trình đã đề ra. Thành quả đó, đã góp chung niềm vui đưa huyện Hòa Vang có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà, thời gian tới, xã sẽ thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, triển khai, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập trung xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đạt hiệu quả, từng bước xây dựng nhãn hiệu cho cây mía Hòa Bắc.
Bên cạnh đó, xã sẽ nghiên cứu đề xuất với huyện, thành phố xúc tiến phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí.
Một mùa xuân mới đang về, với kết quả về đích xây dựng nông thôn mới như tiếp thêm động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bắc để tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới, cùng xây dựng xã Hòa Bắc ngày càng văn minh, hiện đại..