Chủ trương đúng, triển khai sai
Chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn được tỉnh Hải Dương thực hiện từ năm 2012 theo Đề án “Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015”. Nhờ đó, các địa phương đã có thêm nguồn lực đẩy nhanh việc hoàn thành tiêu chí giao thông.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Hải Dương, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp và cải tạo được 3.530 km đường giao thông nông thôn, có 92,5% đường xã và liên xã, có 91,7% đường thôn và 88,6% đường xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Hải Dương đã có 156 xã đạt chuẩn tiêu chí về giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế này không phải nơi nào cũng thực sự đạt đúng như mục đích mà chủ trương này nhắm đến.
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại huyện Đồng Phú. Ảnh: K GỬIH-TTXVN |
Xã Nam Tân (huyện Nam Sách) về đích nông thôn mới vào năm 2015 cũng một phần nhờ được thụ hưởng từ cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh. Tuy nhiên, người dân thôn Quảng Tân phản ánh, tuyến đường bê tông trong thôn hoàn thiện cuối năm 2015 (thuộc xóm Đông) chỉ vài tháng đã có dấu hiệu bong tróc bề mặt nhiều đoạn.
Anh Nguyễn Văn Thùy (thôn Quảng Tân) bức xúc: “Con đường này vừa làm xong đã bụi mù, có đoạn mủn ra như vữa xây. Mưa xuống là mặt đường bị bong lớp xi măng trên bề mặt; trời hanh, mỗi khi xe đi qua thì bụi mù. Mặc dù lúc đang làm đường, phát hiện kém chất lượng, người dân đã đề nghị dừng nhưng Bí thư và Trưởng thôn khăng khăng vẫn bảo đảm chất lượng và quyết tâm làm”.
Thêm vào đó, độ dày của con đường cũng không được đúng như Nghị quyết của thôn Quảng Tân ban hành năm 2015. Ông Trần Văn Hát (thôn Quảng Tân) cho biết: “Theo như thiết kế đã phê duyệt và công bố trước dân thì con đường phải dày 18cm nhưng thực tế chỗ thì chỉ được 16cm, chỗ thì được 17cm”.
Sau khi nhận đơn kiến nghị của người dân Quảng Tân về những bức xúc trong đó có vấn đề liên quan đến chất lượng đường bê tông trong thôn làm cuối năm 2015, lãnh đạo xã Nam Tân đã thành lập Tổ xác minh do ông Trịnh Đại Dương, Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Ngày 30/8/2016, Tổ đã ra thông báo số 102/TB-UBND về kết quả xác minh. Theo thông báo này, năm 2015, thôn Quảng Tân làm được 3.076m đường chia thành hai đợt; trong đó, đợt 2 (vào cuối năm 2015) thôn đề xuất làm 967m đường và được cấp 4.231 bao xi măng.
Thông báo nêu rõ: “Một số đoạn đường kém chất lượng, đúng như phản ánh của người dân. Nguyên nhân do trách nhiệm của Bí thư, Trưởng thôn chưa sát sao, trách nhiệm của Ban giám sát xây dựng chưa tốt. Việc thay đổi công nghệ trong trộn đảo bê tông như: không đảo trực tiếp mà đảo một chỗ sau đó chở đến vị trí đổ, dẫn đến bê tông phân tầng, bộ phận thợ thi công không đảo, lại cứ thế san ra, xi măng rắc làm mặt ít, số xi măng cấp cho làm đường 967m nhưng thôn làm 1.195,5m và xây máng hết 40 bao dẫn đến một số đoạn đường bị hỏng bề mặt”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của không ít người dân, đường kém chất lượng là do cán bộ thôn sử dụng số xi măng do tỉnh cấp không đúng mục đích. Cụ thể, đã dùng xi măng từ nguồn này để bồi thường cho một số hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng phục vụ làm đường nông thôn mới thay vì bồi thường bằng tiền mặt, trong khi lẽ ra số xi măng này phải được sử dụng toàn bộ để làm đường.
Ông Nguyễn Văn Núi, một trong số những người được thôn bồi thường bằng xi măng thay vì bằng tiền mặt cho biết: “Gia đình tôi đã hiến đất với diện tích là 27m dài và 40cm chiều ngang để xã mở đường. Trưởng thôn và Bí thư trực tiếp đến gia đình tôi, kiểm tra hiện trạng và tính ra số tiền hỗ trợ, đền bù những công trình của gia đình tôi bị ảnh hưởng là trên 2,8 triệu đồng và quy ra xi măng, trả cho gia đình tôi 50 bao xi măng Phúc Sơn và nói là xi măng tỉnh hỗ trợ cho để thôn làm đường còn dôi ra”.
Chuyện ở thôn Quảng Tân (xã Nam Tân) không phải là trường hợp cá biệt khi ở xã Bạch Đằng (huyện Kinh Môn) cũng từng xảy ra chuyện bán xi măng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Điều này cho thấy cơ chế đúng nhưng giám sát kém, lợi dụng để trục lợi của cán bộ cơ sở có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, mà chuyện nhãn tiền là thất thoát ngân sách.
Sai phạm chồng sai phạm
Sau khi phát hiện vi phạm trong làm đường, người dân Quảng Tân tiếp tục phát hiện nhiều sai sót của cán bộ thôn trong thực hiện dồn ô đổi thửa và việc thu chi trong thôn. Ông Trần Văn Hát, người đã mạnh dạn đứng lên thay mặt cho nhân dân thôn Quảng Tân, kiểm tra lại việc triển khai làm đường, chia ruộng ở thôn Quảng Tân cho biết, họ đã đề nghị xã kiểm tra lại và kết quả mới nhất từ đoàn kiểm tra của xã cho thấy diện tích ruộng chia thừa sau giai đoạn dồn ô đổi thửa lên đến trên 26.000m2 và đáng chú ý, nhiều hộ có diện tích ruộng sau chia tăng lên chính là những tổ trưởng hoặc thành viên tổ chia ruộng. Đó là ông Tân Văn Diện (Tổ trưởng Tổ chia ruộng đội 2) thừa 1.094m2, ông Đỗ Văn Thiều (thành viên tổ chia ruộng đội 2) thừa 1.246m2 và ông Hoàng Văn Bến (thành viên tổ chia ruộng đội 1) thừa 380m2.
Người dân Quảng Tân càng bức xúc hơn khi đường làm xong thì kém chất lượng nhưng phần đóng góp của nhân dân thì không trừ một ai. Từ đứa trẻ mới sinh cho đến người già dưới 80 tuổi và những người bệnh nặng đều không được lãnh đạo thôn, xã cân nhắc miễn giảm. Cụ thể, mỗi khẩu ở thôn Quảng Tân phải đóng 500.000 đồng/năm để làm đường, chưa kể các khoản đóng góp khác. Hoặc như trường hợp gia đình anh Hoàng Văn Động mặc dù bản thân phải chạy thận thường xuyên, nhưng vẫn phải đóng góp đều đặn như các hộ trong thôn. Nhà có 2 vợ chồng, hai người con, mỗi năm đóng 2 triệu đồng, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.
Bên cạnh đó, việc thôn ghi chép các khoản chi cho làm đường, chỉnh trang đồng ruộng, mương máng nội đồng… không diễn giải cụ thể mà chỉ đưa tổng số tiền, khi nhân dân có ý kiến cán bộ không giải thích, làm rõ khiến nhiều ý kiến không đồng tình với cách tính toán của thôn. Ông Trần Văn Hát bức xúc: “Ông Trưởng thôn khai mua 280 cái lù và thôn mua vật liệu về tự làm tại nhà văn hóa là 200 cái. Nhưng theo kiểm kê của đoàn kiểm tra ủy ban xã là 264 cái, như vậy khai khống lên 216 cái. Giá loại cát An Bài trên thị trường theo chúng tôi được biết là 170.000 đồng/khối và giá đá là 230.000 đồng/khối nhưng trong bảng quyết toán chi lại ghi giá cát 310.000 đồng/khối và đá là 270.000 đồng/khối”.
Tiếp đó, hàng loạt sự thiếu chính xác cũng đã được nêu tại thông báo số 102/TB-UBND. Đơn cử như: một số khoản thu bị sai lệch giữa phương án thu và quyết toán (diện tích vụ chiêm năm 2015 trong biên bản quyết toán tài chính thấp hơn phương án thu thực tế là 2.833m2 và diện tích vụ mùa trong biên bản quyết toán thấp hơn phương án thu thực tế là1.874m2); có một số khoản thu chưa đưa vào quyết toán như an ninh bảo vệ, khoản chi trả 25% kiên cố hóa kênh mương chưa chi đã vào quyết toán là không phù hợp; số tiền thu sản diện tích khoán thầu giai đoạn 2016-2020 thu năm 2016 nhưng thôn đã vào quyết toán tài chính năm 2015 là không phù hợp…
Cần xử lý nghiêm
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch UBND xã Nam Tân Hoàng Văn Toan cho biết, xã đang xác minh sự việc và chưa có kết luận cuối cùng nên từ chối cung cấp tài liệu liên quan. Tuy nhiên ông Toan cho biết quan điểm của xã là “sai đến đâu, xử lý đến đó, đúng quy định”. Nói về nghi vấn cán bộ thôn rút ruột xi măng tỉnh hỗ trợ, ông Toan khẳng định không có việc thôn tính 2 lần tiền đền bù cho người hiến đất giải phóng mặt bằng làm đường. Chối bỏ trách nhiệm giám sát của xã trong việc sử dụng xi măng tỉnh hỗ trợ xây đường cho tiêu chí nông thôn mới, ông Toan nhấn mạnh, lượng xi măng do thôn đề xuất, tự giám sát, và sử dụng, khi làm xong đã có cán bộ phòng kinh tế hạ tầng của huyện kiểm tra, xã chỉ hỗ trợ làm tờ trình xin tỉnh xi măng cấp cho thôn”.
Về chất lượng con đường đoạn làm cuối năm 2015, ông Toan cũng thừa nhận: “chất lượng mặt đường của đoạn đường cuối năm hơi kém một chút. Với con đường đã hỏng thì vẫn phải sử dụng, hỏng đến đâu sửa đến đó”. Trước đó, tháng 8/2016, xã đã đề nghị thôn thu hồi số tiền đã trả công cho Ban giám sát, cắt giảm công của tổ thợ bê tông, cắt giảm tiền công điều hành làm đường của Bí thư, trưởng thôn và tiền cát do cát kém chất lượng với tổng số tiền trên 22 triệu đồng để sửa chữa lại đường.
Sự việc thôn Quảng Tân làm đường nông thôn mới nhưng giám sát không chặt chẽ nên gây ra thất thoát, đường kém chất lượng đã khiến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cơ sở bị giảm sút. “Từ khi nhân dân chúng tôi có ý kiến đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nguyện vọng của chúng tôi là ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm và đền bù cho người dân, vì chúng tôi phải đóng góp tiền để xây dựng lên chính con đường này”, ông Hát bày tỏ mong muốn. Nguyện vọng của ông Hát cũng giống nhiều người dân nơi đây. Sự việc khiến nhân dân bức xúc đã lâu, cần sớm có cách xử lý thỏa đáng. Nếu không, đây sẽ là một tiền lệ xấu cho nhiều địa phương khác trong xây dựng nông thôn mới, gây mất niềm tin của người dân với cách quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.