Nâng cao giá trị nông sản
Gia đình ông Nguyễn Văn Hữu (thôn Bãi Thảo 2, xã Bắc An, thị xã Chí Linh) đã có 13 năm nuôi gà đồi. Từ quy mô chỉ vài ba trăm con mỗi lứa, đến nay gia đình ông đã mở rộng quy mô, mỗi lứa nuôi 4.000 con gà lai chọi thương phẩm. Tính cả năm, gia đình ông bán ra thị trường 2 vạn con gà. Ở thôn Bãi Thảo 2, có 114 hộ gia đình nuôi gà đồi và có trên 10 hộ doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Theo ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội gà đồi Chí Linh, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể gà đồi Chí Linh đã giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm thêm thuận lợi. Giá bán gà đồi Chí Linh luôn cao hơn gà các loại khác khoảng 10.000 đồng/kg.
“Trước đây chưa xây dựng được nhãn hiệu tập thể, đầu ra còn bị phụ thuộc, sản phẩm không vào được siêu thị và nhà hàng lớn. Còn bây giờ, gà đồi Chí Linh đã đưa được vào nhà hàng và siêu thị. Lượng tiêu thụ cũng lớn gấp nhiều lần so với trước”, ông Nhàn phấn khởi.
Thương hiệu gà đồi Chí Linh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. |
Không những được giá, thương hiệu gà đồi Chí Linh giờ đây còn vươn ra ngoài tỉnh, được nhiều người biết đến và ưa chuộng, có mặt ở nhiều thị trường như: Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh. Việc tiêu thụ thuận lợi, quy mô chăn nuôi gà đồi ở xã Bắc An đến nay đã tăng gấp 5 lần so với năm 2010. Hiện nay, xã Bắc An hiện có khoảng gần 300 hộ chăn nuôi gà đồi, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 3 triệu con gà.
Tương tự, việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cũng đã nâng cao giá trị đối với sản phẩm gạo đặc sản nếp cái hoa vàng ở huyện Kinh Môn. Hiệp hội sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn hiện có 350 thành viên ở các xã An Phụ, Long Xuyên và Phạm Mệnh đang canh tác diện tích 35 ha cấy nếp cái hoa vàng.
Theo ông Lê Hoài Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội, năm 2012, sản phẩm nếp cái hoa vàng được công nhận nhãn hiệu tập thể và kể từ đó, việc tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, tiêu thụ thuận lợi hơn. Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được đóng gói bao bì mang nhãn hiệu tập thể thường bán với giá trung bình 30.000 - 32.000 đồng/kg, có thời điểm 38.000 đồng/kg, trong khi gạo cùng loại không có bao bì mang nhãn hiệu tập thể thì chỉ bán với giá 22.000 - 24.000 đồng/kg.
Không chỉ nếp cái hoa vàng Kinh Môn và gà đồi Chí Linh mà những sản phẩm khác như ổi Thanh Hà, bột sắn dây Kinh Môn cũng có giá bán cao hơn so với ngoài thị trường. Cụ thể, ổi Thanh Hà gắn nhãn hiệu tập thể có giá bán cao hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg so với ổi khác loại, bột sắn dây có gắn nhãn hiệu tập thể sắn dây Kinh Môn có giá bán cao hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với sản phẩm sắn dây khác.
Đẩy mạnh khai thác
Thực tế cho thấy, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã có nhiều tác động tích cực. Bên cạnh việc giúp nâng cao giá trị nông sản Hải Dương, theo ông Lê Lương Thịnh, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương), việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ các nông sản của tỉnh trên thị trường. Đây cũng là cơ sở để xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả mạo hoặc lợi dụng danh tiếng nông sản của tỉnh để trục lợi. Từ đó, góp phần định vị thương hiệu trên thương trường cho một số nông sản của tỉnh, giúp người tiêu dùng nhận diện được các nông sản mang nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý của tỉnh. Đồng thời, việc xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đã góp phần thúc đẩy và định hướng quá trình sản xuất, kinh doanh một số nông sản theo hướng chuyên nghiệp, ổn định, an toàn hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý, khai thác các nhãn hiệu tập thể vẫn còn nhiều bất cập. Theo ông Lê Lương Thịnh, công tác kiểm soát việc tuân thủ quy chế quản lý, đặc biệt là quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại một số đơn vị sở hữu nhãn hiệu tập thể vẫn chưa được thường xuyên. Ý thức người sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Mặt khác, công tác quảng bá, giới thiệu nông sản mang nhãn hiệu tập thể chưa được chủ sở hữu nhãn hiệu chú trọng, việc đầu tư in nhãn mác, hệ thống nhận diện phục vụ thương mại sản phẩm chưa được quan tâm. Chủ sở hữu nhãn hiệu chưa đảm đương tốt trách nhiệm của đơn vị đầu mối để xúc tiến thương mại, khai thác thị trường cho sản phẩm.
Trước những bất cập đó, ông Thịnh cũng cho biết, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát để xây dựng và bảo hộ cho các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể đã xây dựng, quan tâm hoạt động quảng bá cho các nông sản đã xây dựng được thương hiệu… Trước mắt, Hải Dương dự kiến năm 2017 sẽ đề xuất xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm rau sạch Gia Lộc và nhãn Chí Linh.