Lấp đầy những lỗ hổng về tiêu chuẩn, chất lượng
Sau một loạt các cuộc khảo sát, thu thập thông tin, ý kiến của người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá khá khả quan về thực phẩm Việt Nam. Hầu hết người được hỏi đều cho rằng thực phẩm Việt Nam khác biệt so với các quốc gia khác, nhất là ở hương vị độc đáo, mang nét thiên nhiên và khí hậu Việt Nam.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế bởi sản phẩm vẫn chú trọng nhiều vào số lượng hơn chất lượng, thường sử dụng phụ gia hay chất bảo quản nhân tạo, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ…Vì vậy, để xây dựng thương hiệu chung cho toàn ngành thực phẩm thì trước tiên phải lấp đầy những lỗ hổng về tiêu chuẩn, chất lượng.
Theo các chuyên gia thương mại, từ cuối năm 2014, Cục Xúc tiến thương mại đã chính thức khởi động Chương trình Xây dựng Thương hiệu Quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam với mục tiêu định vị thương hiệu chung cho ngành này. Song, nhiều sản phẩm thế mạnh xuất khẩu đi các nước lại không được biết đến là thương hiệu của Việt Nam. Các nông sản, thủy sản khác chủ yếu dùng thương hiệu nhà bán lẻ nước ngoài.
Chẳng hạn như Hàn Quốc đang nhập tới 90% cà phê của Việt Nam, nhưng hầu hết người tiêu dùng nước này lại nhầm tưởng là cà phê Brazil. Còn với sản phẩm thực phẩm chế biến công nghiệp, chỉ có một vài thương hiệu của doanh nghiệp được biết đến như cà phê Trung Nguyên, Vinamit, mì Acecook… Bên cạnh đó, nông sản của Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại về thị trường, lệ thuộc vào thương lái nước ngoài. Gần đây, một số loại trái cây đã xuất khẩu vào thị trường các nước phát triển, nhưng vẫn không có sự nhận biết rõ ràng về sản phẩm hoặc thương hiệu.
Cá tra là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn để xây dựng thành công thương hiệu quốc gia là vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế bởi các doanh nghiệp thường cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá bán, không chú trọng xây dựng chiến lược dài hạn cũng như thương hiệu chung. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thiếu liên kết, chưa có một nền tảng chuẩn mực chung, khiến ngành thực phẩm khó có thể xây dựng được một thương hiệu mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ, ngành chè Việt Nam khá may mắn khi được tạo nhiều điều kiện xây dựng thương hiệu chè Việt thông qua các chương trình thương hiệu quốc gia. Theo đó, ngành chè xác định và cũng vạch ra nhiều mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu về chất lượng tối thiểu cho sản phẩm chè, từng bước đưa sản phẩm chè Việt ra quốc tế.
Tuy nhiên, việc quảng bá thương hiệu cần rất nhiều kinh phí, trong khi doanh nghiệp trong nước chưa xác định được bước đi đúng đắn hoặc không đủ khả năng thực hiện quảng bá trong khoảng thời gian dài. Bởi vậy, để xây dựng thương hiệu cho ngành chè nói riêng và ngành thực phẩm Việt Nam nói chung cần rất nhiều sự nỗ lực không chỉ ở Chính phủ mà còn ở chính doanh nghiệp.
Định vị thương hiệu
Theo ông Koos van Eyk, Giám đốc quốc gia Dự án hỗ trợ Việt Nam - CBI (Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan), Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu chung cho cả ngành thực phẩm để có thể tạo nên một kiến trúc thương hiệu chặt chẽ, có tác động chiến lược, đem đến sự phát triển cho từng dòng sản phẩm và thúc đẩy tính hợp tác giữa các doanh nghiệp. Đây là hướng đi đã được nhiều quốc gia châu Á áp dụng thành công như: Thái Lan, Hàn Quốc… bởi thương hiệu ngành sẽ chia sẻ định vị và xác định tầm nhìn của thương hiệu chung quốc gia.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu thực phẩm của Việt Nam cần chú ý đến những đánh giá của người tiêu dùng về thực phẩm Việt Nam, từ đó có hướng đi của riêng mình. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, thách thức đặt ra đối với Việt Nam là phải giữ được thuộc tính thiên nhiên trong sản phẩm và bảo đảm vẫn giữ được đặc tính này khi vận chuyển những thực phẩm chưa chế biến.
Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, ngành hàng thực phẩm chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu nông sản của từng địa phương. Việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm cụ thể có thể khai thác cả yếu tố chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị gia tăng và mang lại lợi ích cho địa phương. Muốn làm được điều đó các doanh nghiệp cần tự thân vận động, thay đổi nhận thức, đặt chất lượng lên hàng đầu, áp dụng các phương thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm… để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước cũng như thế giới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại để đạt độ tự động hóa cao, mở rộng nghiên cứu thị trường, đầu tư chiều sâu, đa dạng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cần gắn với hoàn thiện kênh phân phối.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chương trình Xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam thời gian tới sẽ được đẩy mạnh nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam. Mục đích của chương trình là tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.