Những câu chuyện kể của chị Phương Thị Cưu ở Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng như một cuốn phim ngắn về tinh thần làm giàu bảo vệ quê hương của người con mảnh đất Cao Bằng giàu truyền thống cách mạng.
Chuyện chị kể khiến người nghe rưng rưng tự hào khi đặt chân ở miền biên ải. Bên ly trà xanh, chị Cưu nhớ lại: “Năm 1991, quanh Thác Bản Giốc chưa có nhà nào ở cả, một mình tôi xuống đầu tiên, tự nguyện bám đất bám làng. Tôi tốt nghiệp trung cấp ngân hàng nhưng không theo nghề mình học. Chồng thì thương binh, hai vợ chồng làm túp lều ở bờ sông, lúc đấy rất nghèo, chỉ có 1 cặp bò bố mẹ cho. Thời điểm này khách đến thăm quan thác Bản Giốc nhưng không có thuyền bè để đi chơi, trong khi phía Trung Quốc họ đã có 2 chiếc bè để đưa khách đi chơi. Với suy nghĩ phải tìm cách phục vụ khách du lịch, năm 1996, tôi đã bán cặp bò, được 1,4 triệu đồng, đầu tư làm 2 cái thuyền chở khách tham quan”.
Thuyền, bè đưa khách du lịch tham quan khu vực xung quanh thác Bản Giốc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Chị Cưu cho biết, do chỉ có một mình làm dịch vụ này nên khi ấy khách hàng ngày một đông, nhưng muốn mở rộng thêm thì không có vốn. May mắn hồi đó, chị được vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng phục vụ người nghèo (tiền thân của Ngân hàng Chính sách Xã hội), chị đầu tư thêm 2 cái thuyền nữa. Nhưng tới năm 2001, bị lũ quét vợ chồng chị trắng tay. Sau lũ, chị được vay tiếp 3 triệu đồng từ Ngân hàng phục vụ người nghèo, chị lại mua thuyền để chở khách và chăn nuôi lợn. Đến năm 2010 chị xây được nhà sàn, năm 2011 chị xây tiếp nhà hàng để phục vụ khách tham quan Thác Bản Giốc.
“Mình sống được thì bà con cũng sống được, nhiều người dân ở đây bảo nhau nhìn bà Cưu mà sống, tôi thấy vui. Sinh ra từ làng, có đầu óc thì vay tiền ngân hàng về đầu tư, vừa làm giàu cho mình, vừa bảo vệ vùng đất quê hương, chẳng đâu bằng quê mình”, người phụ nữ ngoại ngũ tuần rưng rưng nói.
Bám đất, bám bản làng để bảo vệ quê hương dường như là tinh thần của nhiều bà con vùng đất cách mạng. Vợ chồng anh Phùng Văn Thình ở thôn Núng Táo, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh 5 năm trước do kinh tế gia đình khó khăn đã di cư lên Tuyên Quang làm ăn. Tuy nhiên, sau một thời gian hai vợ chồng lại trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Thôn bản lại dang rộng vòng tay chào đón, bao bọc vợ chồng họ. Bà con lối xóm kể khi ấy gia đình anh Thình quá nghèo, con còn nhỏ, hàng xóm thương tình cho từng bữa ăn, tấm áo cho các cháu bé.
Rồi vốn chính sách đã mang cơ hội đến gia đình anh Thình. Với 30 triệu đồng được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay mà không cần thế chấp tài sản, anh Thình đã mua 1 con bò, rồi bò sinh sản và gia đình anh Thìn đã có lời. Cứ như thế, bò mẹ sinh bò con cùng với sự chăm chỉ làm lụng, gia đình anh đã thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa, con cái đã được đi học. Tuy chưa thoát nghèo nhưng danh hiệu “thoát nghèo” cũng đang dần đến cửa nhà anh.
Ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng nhận định, tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng, tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân vùng cao. Đến nay Cao bằng đã có gần 63 nghìn hộ gia đình đang được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ trên 2 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp trên 40 nghìn hộ thoát nghèo, trên 42 nghìn lao động đã có việc làm, đặc biệt gần 30 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học. Tuy nhiên, việc đầu tư tín dụng chính sách phục vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với những khó khăn như hiệu quả kinh doanh trong nông, lâm nghiệp còn thấp trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt.
“Để chương trình tín dụng chính sách đạt kết quả tốt hơn, cần tăng cường hỗ trợ từ ngân sách và nhiều nguồn tài chính đầu tư khác. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải chủ động trong liên kết sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao hơn. Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội, đẩy mạnh hơn nữa việc cung ứng vốn cần phải xác định rõ việc đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn, nhất là đầu tư vào các mô hình sản xuất hàng hóa lớn là tất yếu. Từ đó mở rộng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng cường các biện pháp chia sẻ rủi ro với người vay, tăng quyền cho người vay”, ông Triệu Đình Lê nói.
Vốn chính sách đang làm những đàn trâu, bò sinh sôi nảy nở trên vùng cao nhưng dường như nhu cầu mong muốn cải thiện kinh tế của bà con chưa dừng lại. Ông Từ Trung Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh kiến nghị, với 50 triệu đồng chỉ đủ để mua 2 con bò, với 1 hộ gia đình chăm sóc 2 con bò không “bõ bèn” gì. Nếu bà con được vay thêm, nuôi đàn bò khoảng 4 – 5 con, thì cũng một công chăm sóc lợi nhuận tăng được gấp mấy lần.
Cùng quan điểm này, ông Hứa Thế Khoan, tổ trưởng tổ tiết kiệm xóm Yên Luật, thị trấn Yên Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cũng nhận định: “50 triệu đồng ngay tại thời điểm bây giờ chỉ mua được 2 con trâu, muốn trâu khỏi bệnh tật, sống tốt phải có chuồng trại sạch sẽ. Chính vì vậy, bà con cần thêm vốn để làm chuồng trại, nếu được vay 80 triệu đồng thì sẽ tốt hơn”.
Cao Bằng cheo leo, chập trùng trên những con đèo. Xe chở chúng tôi chạy bon bon trên đường đèo uốn lượn quanh những thung lung lúa xanh tràn đầy nhựa sống, thi thoảng lại bắt gặp những đàn bò nghênh ngang đi trên đường. Anh lái xe vui tính nói, bò tín dụng chính sách đấy! Nghe anh nói thế, chúng tôi cũng thấy ấm lòng hơn dù hành trình có bị chậm một chút để tránh những chú bò.