Tôi chân ướt chân ráo vào TP Hồ Chí Minh, lạ nước lạ cái theo đúng nghĩa, chỉ có duy nhất quyết tâm đi tới, như lúc bước chân lên tàu, là thứ sẵn có nhất, còn lại là con số không tròn trĩnh. Không nhà, không xe (năm 2000, xe máy với sinh viên tỉnh lẻ mới ra trường như tôi là một tài sản), không điện thoại...
Từ ngoài Bắc vào, tôi rơi tõm vào giữa thành phố nhộn nhịp nhất cả nước, may mắn được ở nhờ trong một căn nhà ba tầng cũ để không của người quen ở Quận 3, có đêm còn bị chuột cắn chân, nhiều lúc sợ đến rúm cả người, nhưng cũng chẳng hề gì. Thế vẫn là tốt chán, so với bao thứ khó khăn ở ngoài kia.
Với khoảng chục bạn trẻ cùng trang lứa, đều mới tốt nghiệp khoa báo chí các trường đại học cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, tháng 10 năm 2000, chúng tôi bắt đầu những ngày thử việc bận rộn, lo lắng nhưng đầy nỗ lực ở báo Tin tức, Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh.
Để có phương tiện đi làm, những tháng đầu tôi mượn người họ hàng chiếc xe đạp đã cũ nhưng còn chắc chắn. Nhà cách cơ quan chưa đầy hai cây số nên cũng không thành vấn đề. Vài tháng sau, cô ruột tôi ở Long An nhường chiếc Honda duy nhất của mình cho tôi, vì thấy cô cháu gái đi viết báo mà đạp xe thương quá! Nhưng cháu đi xe máy thì cô đương nhiên là chuyển sang đi xe đạp rồi. Cô sợ tôi lo, nên cứ động viên: Cô đi gần, cũng chỉ tới cơ quan rồi về, cháu cần hơn, cứ giữ mà đi. Tôi đi xe mà biết cô mình đang vất vả, biết là cô thương mình.
Mà đúng là đi xe đạp tôi gặp không ít bất tiện. Có lần đi họp, phi con xe tới nơi thì đã muộn. Những lúc xe tuột xích, đứng giữa đường trong trời nắng chang chang, tay cầm cái bản đồ mà không định hướng nổi, chả biết đi xuôi hay đi ngược.
Lần đi viết bài về di dời những căn nhà giáo viên trong khuôn viên một số trường học ở TP Hồ Chí Minh, đạp xe tới mấy trường mà thở dốc, tối mịt về nhà người ngợm ê ẩm, chân mỏi nhừ. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ, khi gặp thầy hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông có tiếng, trường thầy cũng đang vận động những thầy cô giáo có nhà trong khuôn viên nhà trường thực hiện chủ trương di dời, nhìn tôi dắt xe đạp tới mà thầy ái ngại. Chả biết có phải vì thế mà thầy tiếp tôi ân cần, tôi cần thông tin gì là sẵn lòng cung cấp. Nói chuyện cùng thầy, tôi cứ cảm giác như một người thầy đang nói với cô học trò nhỏ, chứ không phải phỏng vấn gì.
Tôi cảm kích vô cùng, thấy mình không chỉ đang làm nhiệm vụ, không đơn thuần chỉ là ghi chép, mà còn lắng nghe những tâm nguyện, giãi bày (dù tôi cũng không giúp được gì). Những thầy cô giáo trong ngôi trường ấy, cũng giống mẹ tôi, ở tập thể của trường, đã gắn bó nhiều năm, có người hàng chục năm, nay dễ dàng gì khi rời đi. Chưa kể, cuộc sống giáo viên mấy ai dư giả, có thể nào mua một căn nhà mới ngay trong thành phố đắt đỏ này?
Những ngày làm báo ban đầu là như thế. Nhưng khó khăn lúc ấy, khi đang tuổi trẻ, quả thật tôi chả suy nghĩ nhiều. Mọi thứ được khoả lấp khi mà tôi, từ đầu đã ấn tượng khi được làm việc trong một môi trường thực sự của công việc.
Ở đó, người trẻ được khuyến khích thể hiện năng lực, được tạo điều kiện để làm việc và luôn được động viên khi ai đó nỗ lực. Chỉ riêng việc khi ấy, để có thể “tuyển” phóng viên cho các đơn vị có nhu cầu, mà Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh dán “cáo thị” ở Khoa Báo chí, Trường Đại học, Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, đã khiến tôi lấy làm rất ngạc nhiên, nhất là với sinh viên vừa mới ra trường.
Với cánh sinh viên chưa có kinh nghiệm gì, thì được “trao cơ hội” là điều không còn gì tuyệt vời hơn. Khi lên tàu vào TP Hồ Chí Minh để thử việc, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thậm chí hình dung tới điều xấu nhất có thể xảy ra, là tôi sẽ không thể được nhận; nhưng với tôi khi ấy, cứ bước đi thôi “không thành công thì cũng thành nhân”. Ít nhất cũng được trải nghiệm, được thử sức, vì có một nơi đang trao cơ hội ấy cho những người vừa mới ra trường như tôi.
Và sau đó, là cả một cuộc thử thách thật sự về nghề. Bắt đầu là những cái tin nho nhỏ, dần dần là những bài ghi chép, phản ánh. Những cuộc hẹn phỏng vấn và đi thực tế ở trong thành phố, cũng như các tỉnh miền Tây, về những xã biên giới...
Nhưng tôi đã có được những sự giúp đỡ tuyệt vời trong cả “rèn nghề” lẫn cuộc sống. Tôi vẫn nhớ, cô Nhung, phụ trách các công việc hành chính của Phòng đại diện báo Tin tức đã giới thiệu tôi thuê nhà một người quen của cô với giá rẻ. Chị chủ nhà quý tôi như em gái, còn giúp tôi thi lấy bằng lái xe máy khi bệnh viện nơi chị làm tổ chức thi cho cán bộ, công nhân viên và người nhà.
Lúc ấy tôi đã nghĩ, ở một nơi xa, tôi đã không hề đơn độc. Những khó khăn trước mắt tạm quên đi, qua cả những ngày ngơ ngơ ngác ngác với đường sá. Quên cả những lúng túng chợ búa nhớ mãi cái gì là “ngò rí, đậu bắp, đậu phộng, bạc hà”... hay “quá giang, quẹo phải, quẹo trái,...”. Quen dần với mùa mưa, khi những cơn mưa bất chợt chưa kịp mặc áo mưa thì đã tạnh; quen cả với triều cường ngập đến ngang bánh xe chiều về qua các con hẻm. Dần quen với ồn áo náo nhiệt từ sáng sớm tới đêm khuya, dần quen với ăn đêm ở Quận 1; dần quen với lang thang ở hồ Con Rùa (nơi mà tôi được chở tới rồi mắt tròn kinh ngạc khi đòi đi đâu đó ngắm hồ bởi nhớ hồ Gươm, hồ Tây). Dần không còn mất ngủ khi đám hiếu mà có cả dàn nhạc hát hò thâu đêm...
Tất cả dồn hết vào công việc. Tôi đã được các chú, các anh chị chỉ bảo rất nhiều: Chú Nguyễn Đăng Thục, khi ấy là Trưởng phòng đại diện báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh, chú Nguyễn Ninh, anh Trần Chí Hùng - người nổi tiếng với những bài viết về Campuchia vì có quãng thời gian dài thường trú ở đó (sau này khi chú Thục nghỉ hưu, anh Hùng là Trưởng đại diện của báo) luôn tạo điều kiện cho chúng tôi đi công tác, viết bài. Đặc biệt là chú Nguyễn Quang Vinh, sau này là Tổng biên tập báo Tin tức, người luôn định hướng tư duy, hướng dẫn tổng thể, cách triển khai vấn đề, viết sao cho trúng - những điều mà không có bất cứ một trường đại học nào có thể dạy được. Chú cũng là người rất “khắt khe” về nghề : Viết ẩu, sẽ bị “mắng thẳng” và viết lại, chứ không có chuyện sửa từng câu chữ. Bởi để viết tốt, thì trước hết phải “sạch nước cản”, tức là câu văn trong sáng, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc. Điều này là đòi hỏi trước nhất, đương nhiên, bắt buộc phải có, đã phải rèn từ trong trường học.
Cứ như thế, từ bước đi non nớt ban đầu, tôi đã học hỏi từng ngày, từ những người đi trước dạn dày kinh nghiệm và nhiệt huyết, từ các đồng nghiệp.
Bây giờ, khi báo Tin tức tròn 40 năm thành lập, thì tôi cũng đã có 22 năm gắn bó. Chứng kiến những giai đoạn phát triển: Từ báo in, phát hành hàng ngày vào buổi chiều, tới in - phát hành hàng ngày vào buổi sáng; rồi bắt nhịp xu thế chung của báo chí, báo Tin tức trở thành tờ báo điện tử, ngày càng khẳng định vị thế, thương hiệu của mình; tôi càng tự hào vì mình là một thành viên trong đó.
Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, được làm báo ở Phòng đại diện báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh, tôi càng thấy đó là quãng thời gian quý báu. Tôi đã được học nghề, làm nghề, để đến bây giờ vẫn tiếp tục theo nghề. Và như những lớp sóng, sóng sau tiếp sóng trước, trên hành trình đi tới, tôi luôn biết ơn những “bậc tiền bối”, những người có công gây dựng, truyền lửa nghề cho lớp trẻ, trong đó có tôi, để tờ báo phát triển đến ngày hôm nay.