Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) là công trình trọng tâm - cấp 1, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ tháng 5/2009. Theo thiết kế, hồ chứa nước bản Mồng chủ yếu nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, phía Thanh Hóa chỉ thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 119 hộ dân thuộc bản Thanh Sơn (xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân) do nơi đây nằm trong vùng ngập của hồ bản Mồng.
Dự án đã được phê duyệt từ năm 2009 các chế độ, chính sách, định mức, đơn giá, cũng như khối lượng phải đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi, do vậy, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 119 hộ dân tộc Thái với 430 nhân khẩu của bản Thanh Xuân bị ảnh hưởng bởi dự án hồ chứa nước bản Mồng vẫn chưa thể thực hiện. Kéo theo hệ lụy đời sống người dân nhiều năm không thể ổn định, các công trình đường giao thông, trường học, trạm xá... không được đầu tư do thuộc diện di dời.
Người dân sống trong cảnh thấp thỏm, không biết đi hay ở, lúc nào thì rời nhà cửa ra khu tái định cư mới. Nhà cửa xuống cấp cũng không dám sửa sang, xây mới bởi lý do đơn giản, nhà nước đã kiểm kê, giờ xây, sửa thì đến lúc chuyển đi sẽ không được đền bù phần xây dựng thêm, cũng không biết xây sửa xong rồi liệu có được ở hay không và ở trong bao lâu.
Là người dân ở bản Thanh Sơn, suốt 14 năm nay, ông Vi Văn Sơn (bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân) sống trong cảnh thấp thỏm, không biết đi hay ở, lúc nào thì rời nhà cửa ra khu tái định cư mới. Không dám xây lại nhà, không dám xây thêm phòng bởi lý do đơn giản, nhà nước đã kiểm kê, giờ sửa sang, cơi nới hoặc xây thêm thì đến lúc chuyển đi sẽ không được đền bù phần xây dựng thêm, lại cũng không biết nếu xây, sửa xong rồi liệu sẽ được trong bao lâu.
"Dự án bản Mồng nên bà con ở đây không thể sửa nhà cửa, đường xá đi lại khó khăn, mưa gió bão lụt nơi đây luôn bị cô lập đầu tiên. Dân chúng tôi hơn 10 năm nay sống trong cảnh đi không được, ở cũng không xong, khó khăn quá. Như gia đình tôi con cái lớn dựng vợ gả chồng, muốn tách hộ cho con ra ở riêng nhưng chính quyền giải thích là không thể tách vì nhà nước đã chốt số hộ ra tái định cư là 119 hộ. Thế là cả nhà vẫn sống chung trong căn nhà 3 gian chật chội. Giờ chỉ mong nhà nước sớm giải quyết để dân chúng tôi bớt khổ", ông Vi Văn Sơn cho biết.
Chung suy nghĩ, suốt bao năm mòn mỏi chờ dự án, ông Lữ Văn Hòa (bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân) cũng chỉ mong nhà nước sớm giải quyết để dân được chuyển đến nơi ở mới, an cư, lập nghiệp.
"Không thể kể hết những khó khăn của bà con bản Thanh Sơn những năm qua, hiện chúng tôi như bị bỏ quên ở nơi đây. Con đường độc đạo nối bản Thanh Sơn với bên ngoài xuống cấp, đất đá gồ ghề, trơn tuột. Nhà văn hoá, trường học xuống cấp, hư hỏng do nhiều năm không được tôn tạo, sửa chữa. Dân bản Thanh Sơn luôn ủng hộ chủ trương của nhà nước, nhưng việc chậm tái định cư ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, yêu cầu nhà nước di chuyển nhanh để chúng tôi có nơi yên ổn làm ăn", ông Lữ Văn Hòa chia sẻ.
Không chỉ người dân, mà ngay lãnh đạo huyện Như Xuân cũng nóng ruột vì dự án tái định cư treo quá lâu, UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành liên quan sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời, ổn định cuộc sống cho người dân và cũng nhiều lần các đoàn công tác của các bộ, ngành trung ương, địa phương đã làm việc, nhưng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nên mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ suốt 14 năm nay.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân băn khoăn, đến nay, dự án đã rà soát và quyết định di dời toàn bộ 119 hộ dân bản Thanh Sơn (xã Thanh Hòa) tới định cư tại khu vực thôn Đồng Trình (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân). Vì dự án sẽ di dân ra khu tái định cư mới nên nhiều năm nay huyện, xã không có ngân sách để đầu tư hạ tầng ở đây.
Do đó, hiện chỉ biết dành một phần nguồn lực để khắc phục phần sạt lở ở khu bà con bị cô lập cũng hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm khác cho người dân. Khó khăn lớn nhất là dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh, đây là nút thắt, nếu dự án được điều chỉnh thì mọi cái sẽ sớm được triển khai.
Để từng bước tháo dỡ khó khăn, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ xem xét, bổ sung kinh phí và điều chỉnh thời gian thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân với tổng kinh phí thực hiện hợp phần là 488,9 tỷ đồng; trong đó, kinh phí đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt là 7,5 tỷ đồng, kinh phí đề nghị bổ sung là 481,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân đến hết năm 2025.
Như vậy, trong khi đợi các quyết sách từ các bộ, ngành liên quan, 119 hộ dân tộc Thái ở bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân sẽ vẫn tiếp tục đợi chờ trong mòn mỏi và vẫn chưa rõ đến khi nào mới được chuyển đến nơi ở mới để “an cư, lập nghiệp”.