Đặc biệt, tại xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi nước đã dâng cao liên tục khiến cho 131 hộ dân bị cô lập hoàn toàn từ một tuần trở lại đây. Hầu hết người dân sau khi sử dụng hết số gạo dự trữ đã phải chuyển sang ăn mỳ tôm cho qua bữa.
Chiều 7/12, phóng viên TTXVN trực tiếp đi thuyền nan tiếp cận các hộ dân bị cô lập do mưa lũ tại xã Nghĩa Mỹ. Sau khi vượt dòng nước chảy xiết, băng trắng cả khoảng đồng ruộng mênh mông, ngập lên đến đỉnh cột điện, chúng tôi tiếp cận các hộ dân tại đội 10, thôn Bách Mỹ, xã Nghĩa Mỹ.
Đập vào mắt chúng tôi là cảnh những dòng nước bạc bao quanh nhà dân, nhiều hộ dân nước đã tràn vào nhà. Được biết, đây là khu vực thường xuyên bị cô lập mỗi khi có mưa lũ.
Mưa lũ dâng cao tại thôn Kỳ Thọ, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Sỹ Thắng |
Chị Lê Thị Thuý Kiều (thôn Bách Mỹ) đang cố gắng lùa mấy con bò vào sâu trong nhà nhằm tránh mưa lũ vì đây là nguồn tài sản lớn nhất của gia đình chị. Một nách 2 đứa con, chị Kiều nói trong nước mắt: "Mưa lũ ngập nhà, chia cắt đường giao thông tới trung tâm xã từ hàng chục ngày rồi. Do điều kiện nhà nghèo nên không dự trữ lương thực nhiều mà cũng chỉ mua đắp đổi qua ngày. Nay đường bị ngập, không đi làm đựơc nên gia đình cố cầm cự bằng mỳ tôm và những sản phẩm trong vườn. Cứ khoảng vài ngày là chồng tôi lại chống cái bè kết bằng 2 cái săm ô tô để đi mua thêm mắm muối cho nhà dùng, vẫn biết là nguy hiểm nhưng không đi thì con cái không có gì ăn. Do mấy ngày dầm nước lũ, hiện chồng chị đã ngã bệnh, nằm liệt giường. Nhà cũng có vài con gà những cũng phải đưa lên gác chăm sóc để chuẩn bị cho việc cúng tết cổ truyền".
Thương tâm không kém là trường hợp cô Trần Thị Út, 63 tuổi, sống một mình tại thôn Bách Mỹ. Hàng ngày cô đi làm thuê cho người trong làng kiếm tiền mua gạo, nên không có tích luỹ gì. Mưa lớn, lũ về, tình cảnh cô Út lại càng khó khăn hơn vì không có ai phụ giúp đành để chiếc giường độc nhất trong căn nhà trống hoác nằm chơi vơi giữa dòng nước lũ, sơ tán sang nhà cháu gái bên cạnh để đề phòng lũ dâng cao, không kịp thoát thân.
Lũ về, vùng quê nghèo Nghĩa Mỹ lại càng thê lương hơn. Chị Nguyễn Thị Lan Chi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết: Đây là vùng nông thôn, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên khi có thiên tai xảy ra là đời sống nhân dân tại đây lại càng khó khăn hơn. Địa bàn này gần Sông Vệ, sông Cây Bứa nên nước lũ thường lên nhanh khi có mưa lớn.
Đợt này, mưa lớn kéo dài dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ, khiến người dân gặp muôn vàn khó khăn. Toàn xã Nghĩa Mỹ có đến 131 hộ dân bị ngập sâu, chia cắt. Trong đó riêng thôn Bách Mỹ có đến 64 hộ với hàng trăm nhân khẩu phải sống trong cảnh “bốn bề là nước bạc”.
Gia đình có hai vợ chồng, những con vật nuôi là tài sản quý giá nhất, nên khi lũ về là vợ chồng ông Huỳnh Vang (58 tuổi, Thôn Bách Mỹ) phải thức trắng đêm lo dắt trâu, bò, lợn lên gác cao trong nhà để tránh lũ.
Hàng đêm, ông bà lại đi vào đi ra, không sao chợp mắt đựơc khi phải đút từng cọng rơm, lo từng miếng nước để trâu bò có sức “vượt lũ” vì nếu trâu bò bị bệnh thì cả sản nghiệp đi theo dòng nước “bạc tình”.
Ông Huỳnh Vang tâm sự: "Gia đình tôi ở đây từ lâu đời rồi, cũng vì mưa lũ triền miên mà con cái phải xa quê hương đi kiếm miếng cơm. Vợ chồng tôi cũng có tuổi rồi nên không có sức theo nữa. Nhưng ở lại thì cũng phải cày cuối kiếm miếng ăn. Tuy nhiên, tuổi già sức yếu, gặp nước lũ dâng cao nên đưa mấy con trâu, bò lên gác cao cũng là điều cực kỳ khó khăn, thôi thì cũng mong trời mau rút lũ cho chúng tôi đỡ khổ".
Được biết, huyện Tư Nghĩa là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nền nhất trong đợt mưa lũ của tỉnh Quảng Ngãi. Lãnh đạo huyện đang xúc tiến rà soát mức độ ảnh hưởng do thiên tai gây ra để có phương án hỗ trợ nhân dân.
Ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có hàng chục khu dân cư bị cô lập ở các xã Nghĩa Điền, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương và Nghĩa Hiệp và một số xã ven sông Trà Khúc.
Việc chia cắt quá lâu khiến đời sống bà con nhân dân ở các vùng bị cô lập rất khó khăn, đặc biệt là thiếu nước uống, lương thực, thuốc men. Trong những ngày qua, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã tổ chức nhiều đoàn đi tiếp cận các khu dân cư này để hỗ trợ bà con về thuốc men, nhu yếu phẩm, nước uống. Nhìn chung, hiện tại nước đã rút dần, hầu hết các địa phương đã tiếp cận được khu dân cư và hỗ trợ đưa người già, trẻ em bị bệnh tật đến các cơ sở y tế, khám chữa bệnh.
Do mưa vẫn còn tiếp diễn, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang lên nên việc đối phó với mưa lũ vẫn còn rất phức tạp, khó tính toán. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đang tổ chức cho các đơn vị chức năng trực 24/24 để sẵn sàng phối hợp xử lý khi có tình huống không may xả ra.