Vết nứt chạy dài tại điểm trường mẫu giáo thôn Lâm Lộc Nam. |
Theo phản ánh của người dân, từ cuối năm 2013, để khởi công gói thầu A4 (gói thầu làm cầu vượt cho đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), Công ty cổ phần Xây dựng 864 đã đề nghị chính quyền địa phương và người dân sống dọc hai bên đường ở xóm 4 và 5, thôn Lâm Lộc Nam đồng ý cho mượn đoạn đường bê tông nông thôn dài 240 mét để vận chuyển vật tư, thiết bị. Quá trình vận chuyển, hàng loạt xe siêu trường, siêu trọng của nhà thầu đã làm rung lún, nứt tường 19 hộ dân dọc tuyến đường này.
Khi phát hiện nhà cửa bị lún, nứt, hàng chục hộ dân đã nhiều lần ngăn cản không cho xe của đơn vị thi công đi qua đoạn đường này nữa.
Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, thuyết phục và ký cam kết về trách nhiệm sửa chữa, bồi thường đối với nhà cửa cùng một số công trình kiến trúc khác bị hư hỏng, người dân mới tiếp tục cho đơn vị thi công hoàn thành nốt công việc chờ mở tuyến đường công vụ của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tháng 4/2014, lãnh đạo Công ty 864 cùng UBND xã Tịnh Hà đã có cuộc làm việc với các hộ dân nói trên, đồng thời lập cam kết nhiều nội dung như: Hư hỏng đường sẽ sửa, hoàn trả hiện trạng như ban đầu; sửa chữa cổng chào do xe chở vật tư va quẹt hư hỏng; mở rộng đường và đặt cống thoát nước; di dời cột điện đến nơi đảm bảo an toàn; lắp đặt hệ thống chiếu sáng; đầu tư làm hàng rào trường mẫu giáo để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh… Biên bản được lập có chữ kỹ, đóng dấu của Giám đốc công ty 864 Phạm Xuân Bào và Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà Trần Hồng Long.
Tuy nhiên đến thời điểm này, đơn vị thi công thì đã xong việc và đã rút đi nhưng các hộ dân vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.
Ông Nguyễn Hồng Công, một trong 19 hộ có nhà bị nứt tường bức xúc, mùa mưa, cả gia đình ai cũng sợ nhà sập vì quá nhiều vết nứt lớn ngang dọc, đủ kiểu.
Cả 19 hộ đã làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh. Phía Công ty 864 không thấy ai, hiện chỉ còn trạm trộn bê tông vẫn ở ngoài bãi vì người không cho dỡ đi - ông Công chia sẻ.
Không riêng gì nhà ông Công, các hộ dân như Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Thị Trà… đều có nhà bị nứt. Thậm chí, ngôi trường mẫu giáo của thôn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi thi công đường cao tốc.
Ông Nguyễn Thanh Việt cho biết, trường bị nứt ngang nứt dọc nên năm học tới sẽ tạm đóng cửa. Người dân phải đưa con đi học ở trường mẫu giáo cách đó chừng 2 km, gây bất tiện cho người dân xóm 4 và 5 này.
Thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua xã Tịnh Hà. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà cho biết, khi bắt đầu thi công, Công ty 864 cam kết nhưng họ cũng chỉ là nhà thầu phụ của Công ty Lotte - đơn vị tổng thầu. Hiện Lotte có mua bảo hiểm toàn bộ tuyến trên địa bàn xã. Khi công trình cơ bản hoàn thành, không lu đầm nữa thì họ sẽ tiến hành kiểm tra lại; thực hiện đền bù theo quy định.
Do đó, thiệt hại này do Lotte chịu trách nhiệm. Khi người dân kiến nghị, địa phương đã giải thích nhưng họ vẫn chưa hiểu hết. Họ thấy Công ty 864 xong việc và chuyển đồ đi thì sợ không còn ai chịu trách nhiệm. Địa phương có trách nhiệm giải thích tiếp cho người dân hiểu nhằm đảm bảo các chế độ, quyền lợi của người dân - ông Long nói.
Hiện người dân nơi đây rất lo lắng vì cho rằng người đứng ra ký cam kết là Công ty 864. Đoạn đường này, Công ty muốn thi công sớm nên mượn của dân chứ không biết hay liên quan gì đến đơn vị tổng thầu Lotte.
Trong khi chờ đợi trách nhiệm từ các nhà thầu xây dựng đường cao tốc, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có giải pháp vận động, tuyên truyền để người dân yên tâm như đúng giải thích của ông Chủ tịch xã; tránh gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng an ninh trật tự của địa phương như trong thời quan qua.