Đồng thời việc này còn có nguy cơ đe dọa an toàn chân bờ đập hồ thủy lợi buôn Joong. Anh Bùi Bùi Văn Thân, thôn 2, xã Ea Kpam than thở: "Mấy năm gần đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Nguyên mở rộng phạm vi nổ mìn khai thác đá, làm đảo lộn cuộc sống của gia đình và một số hộ dân lân cận. Mỗi lần công ty cho nổ mìn phá đá, gây chấn động lớn khiến cho các vật nuôi hoảng loạn, chậm lớn. Bụi bặm bay mù mịt phủ lên nhà cửa, vườn cà phê không bung hoa theo chu kỳ, làm giảm năng suất, nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập".
Hoạt động nổ mìn khai thác đá gần khu dân cư còn làm nứt nhiều nhà, khiến người dân luôn phải sống trong “nơm nớp” lo sợ. Ông Đoàn Thanh Xuân, thôn 2, xã Ea Kpam bức xúc: "Do sống gần mỏ đá nên năm 2008 khi quyết định xây nhà, vợ chông tôi đã đi vay mượn thêm tiền để cất một ngôi nhà kiên cố (trị giá 300 triệu đồng).
Năm 2011, công ty cho nổ mìn khai thác đá liên tục, mỗi lần mìn nổ nhà tôi lại rung lên, thời gian gần đây đã xuất hiện “hàng trăm” vết nứt dọc ngang trên tường, có những vết nứt dài đến vài mét kéo từ trên tường xuống “xé toang” móng".
Theo ông Hoàng Nghĩa Chính - Chủ tịch UBND xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar: Công ty trách nhiệm hữu hạn An Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép cho hoạt động khai thác đá hơn 10 năm nay. Ban đầu đơn vị chỉ được khai thác đá ở một diện tích nhỏ.
Đến tháng 12/2012, đơn vị đã tiến hành mở rộng diện tích và được tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho cho thuê hơn 10ha, và cấp phép khai thác trong 28 năm. UBND xã Ea Kpam đã nhiều lần nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân về việc mỏ đá nổ mìn gần khu dân cư, gây bụi bặm, tiếng ồn, làm nứt nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Năm 2013, chính quyền địa phương phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đắk Lắk, xuống kiểm tra thực tế khu dân cư thôn 2 và thôn 4 ghi nhận có ít nhất 7 căn nhà gần mỏ đá bị nứt. Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã yêu cầu Công ty An Nguyên phải giảm khối lượng mìn trong quá trình khai thác đá.
Cụ thể phía Công ty An Nguyên chỉ được phép khoan 6 lỗ, mỗi lỗ tra từ 15-16kg thuốc nổ cho một lần phá đá. Một ngày chỉ được nổ 6 lần (tức 36 lỗ), với tổng trọng lượng thuốc nổ tối đa là 5,4 tạ.
Mặc dù Công ty đã giảm lượng mìn nổ khai thác đá và mỗi lẫn nổ mìn có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Nhưng do việc mở rộng diện tích khai thác đá vào gần khu dân cư từ (350-500m) và mỏ đá nằm ở tầng sâu, nên việc nổ mìn khai thác tạo ra độ rung chấn mạnh hơn so với các mỏ lộ thiên.
"Chúng tôi rất mong cơ quan tiến hành rà soát, đánh giá lại một cách khách quan nhất để đảm bảo quyền lợi cho người dân địa phương", ông Chính nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây Công ty An Nguyên được cấp phép khai thác đá để xây dựng hồ thủy lợi buôn Joong, thôn 4, xã Ea Kpam, (công trình có diện tích 280ha, phục vụ tưới tiêu nước cho 3.000 ha đất trồng cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp)…
Hiện nay do việc mở rộng diện tích khai thác đá, nên địa điểm nổ mìn của Công ty An Nguyên chỉ cách hồ thủy lợi buôn Joong khoảng 400-500m. Việc nổ mìn phá đá có nguy cơ đe dọa an toàn chân bờ đập.
Các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần kiểm tra, đánh giá một cách khách quan về ảnh hưởng của mỏ đá, khắc phục những ảnh hưởng mà mỏ đá gây ra, sớm trả lại môi trường trong lành để người dân ổn định cuộc sống, sản xuất.