Hội thi có sự tham gia của 400 em học sinh đến từ 10 trường tiểu học của quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mỗi đội tham dự thực hiện một bài thể dục buổi sáng và một bài thể dục giữa giờ theo các bài mẫu do Văn phòng Ban điều phối Đề án 641 ban hành. Thang điểm được chấm dựa trên các tiêu chí như: Kỹ năng thực hiện các động tác; trình diễn thống nhất, đồng đều giữa các thành viên; chuyển động phù hợp với tốc độ và nhịp của nhạc nền; biểu cảm tự tin, vui vẻ, nhiều năng lượng; sắp xếp động tác, đội hình, di chuyển hợp lý.
Hội thi là dịp để Ban điều phối Đề án 641, các Ban, ngành chức năng liên quan rút kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục buổi sáng và giữa giờ trong hệ thống thể thao học đường.
Sau một thời gian thi đấu sôi nổi và hào hứng, đoàn Trường Tiểu học Vĩnh Tuy đã giành giải Nhất; đồng giải Nhì thuộc về Trường Tiểu học Quỳnh Mai và Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Xếp ở vị trí thứ Ba gồm 3 trường gồm: Tiểu học Tây Sơn, Tiểu học Lương Yên và Tiểu học Tô Hoàng.
Theo Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án 641 Đàm Quốc Chính, hiện nay, hoạt động thể dục buổi sáng và giữa giờ được coi là hoạt động ngoại khóa, không bắt buộc ở trường học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu hoạt động này được chú trọng và luyện tập thường xuyên sẽ góp phần tích cực giúp trẻ phát triển thể chất, cân bằng giữa hoạt động ngoài trời và học tập trên lớp, mang lại sự hứng khởi cho các em học sinh.
Đây là hội thi thí điểm nên những người tổ chức mong muốn hoạt động này sẽ được nhân rộng ra toàn bộ các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội và cả nước. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ. Để đạt được mục tiêu này, Ban điều phối Đề án 641 mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các ban, ngành chức năng liên quan để triển khai chương trình tới tất cả các trường học, giúp các em học sinh phát triển thể chất và cân bằng giữa thể thao, học tập.
Đề án 641 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ của người Việt Nam. Đề án này sẽ góp phần cải thiện tầm vóc, thân thể của thanh niên Việt Nam; phấn đấu đến năm 2020, chiều cao trung bình của nam tuổi 18 đạt 1,67m; nữ đạt 1,56m và đến năm 2030 nam 18 tuổi cao trung bình 1,685 m và nữ là 1,575 m.