Nhân dân có sức khỏe thì mọi công việc đều được làm tốt”. Người cũng đã nhấn mạnh "Chúng ta nên phát triển phong trào thể dục thể thao rộng khắp”. Từ tư tưởng này của Bác, những năm qua ngành thể dục thể thao đã nỗ lực phát triển thể thao quần chúng rộng khắp.
Gần 4 tháng sau khi đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 - SL thành lập Nha Thể dục Trung ương (thuộc Bộ Thanh niên) để nghiên cứu phương pháp, thực hành thể dục trong toàn quốc. Sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ mới ký Sắc lệnh số 38 (ngày 27/3/1946) về việc thành lập Nha Thanh niên và Thể dục.
Thi đấu môn bóng chuyền nam tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
|
Cùng với thời điểm công bố Sắc lệnh số 38, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sức khỏe và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc, số 119 ra ngày 27/3/1946. Đây chính là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, thể hiện rõ nét nhất quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển thể dục thể thao quần chúng ngay trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn.
Trong bài "Sức khỏe và thể dục", Người viết “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe. Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta, ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập”.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác, trong những năm qua, ngành thể dục thể thao nước nhà luôn chú trọng phát triển thể dục thể thao quần chúng. Tính đến hết năm 2016, hầu hết các xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ hoặc nhà văn hóa thể thao, các xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập. Thể dục thể thao quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước tiến đáng kể. Phong trào thể dục thể thao người cao tuổi phát triển mạnh và được duy trì thường xuyên với khoảng trên 10.000 câu lạc bộ.
Các phong trào thể dục thể thao tại địa phương luôn gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” để phát triển rộng rãi phong trào thể dục thể thao, vận động người dân tự chọn một môn thể thao, một hình thức tập luyện phù hợp với mục tiêu nâng cao sức khỏe. Các địa phương cũng đặc biệt quan tâm tới việc phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: Nhảy bao bố, bắt vịt, chạy cà kheo, pháo đất, bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy, tù lu, tung còn, lân sư rồng...
Bên cạnh đó, một số địa phương có điều kiện đã quan tâm phát triển nhiều môn thể thao giải trí mới như leo núi thể thao, vũ đạo giải trí, mô tô nước, dù lượn, diều bay có động cơ, ô tô địa hình, câu cá thể thao... Ngoài ra, các địa phương cũng kết hợp một số môn thể thao giải trí với kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch, hướng sự quan tâm của người dân tới các môn thể thao mới, hiện đại. Đến nay, đã có gần 60-70% xã trong toàn quốc dành đất cho tập luyện thể dục thể thao, trong đó có khoảng 30% số xã có sân bóng, hồ bơi, nhà tập...
Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao Đặng Danh Tuấn khẳng định: Trong năm 2017, thể dục thể thao quần chúng sẽ nỗ lực vận động, nâng số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên lên 30,3%; số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 21,9%; đảm bảo 100% số trường học tổ chức chương trình giáo dục thể chất chính khóa; 75% số trường thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa...
Bên cạnh đó, ngành sẽ phát huy, tổ chức tốt Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2017, huy động 7 triệu người tham gia. Mặt khác, thể thao người khuyết tật Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm 4 tại ASEAN Paragames 9 tại Malaysia, tốp 10 tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật trẻ châu Á ở Indonesia năm 2017...