Theo đó, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, năm 2019, tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc và BH thất nghiệp chiếm ít nhất 90% số đối tượng thuộc diện tham gia; tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ít nhất bằng 30%-50% so với năm 2018.
Năm 2020, tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc và BH thất nghiệp chiếm ít nhất 95% số đối tượng thuộc diện tham gia; tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ít nhất bằng 30%-50% so với năm 2019.
Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, UBND thành phố tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan: BHXH, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã thành phố... trong việc chia sẻ dữ liệu quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động, xác định rõ lao động của doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp và yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đầy đủ theo quy định.
Thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành BHXH về đóng BHXH, tập trung kiểm tra, thanh tra cả doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm chính sách BHXH, BH thất nghiệp.
Thành phố thống kê, rà soát số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, yêu cầu tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật; Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục, cải thiện quy trình, thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BH thất nghiệp, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tham gia và thụ hưởng chế độ, đặc biệt liên qụan đến chính sách BHXH tự nguyện.
UBND Thành phố yêu cầu BHXH Thành phố xây dựng Đề án phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019- 2021; chủ trì, phối hợp với Sở LĐTBXH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã trình UBND thành phố giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp để hoàn thành các mục tiêu đề ra; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông chia sẻ dữ liệu với các Sở, ngành; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH.