Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phan Chính Thức, việc trang bị kiến thức về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là hành trang cần thiết cho sinh viên, nhất là sinh viên nghề năm cuối, sắp gia nhập vào thị trường lao động Việt Nam.
Đồng quan điểm đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ Nguyễn Trọng Sơn cho rằng, việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không chỉ là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi sinh viên mà còn là sự chia sẻ cộng đồng. Tuy nhiên, việc hiểu về hai chính sách an sinh xã hội này của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, thông qua Hội nghị tập huấn chuyên đề sẽ giúp sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao nhận thức, sự chủ động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Tại Hội nghị tập huấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Thị Thúy Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) đã giới thiệu quá trình phát triển chính sách BHXH; mức đóng; quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và một số văn bản quy phạm pháp luật về BHXH.
Điểm đáng chú ý là quá trình cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sổ BHXH, thẻ BHXH. Theo đó, mỗi người dân khi tham gia BHXH, BHYT sẽ được cấp mã số BHXH duy nhất theo suốt cuộc đời. Chỉ cần cung cấp mã số BHXH của mình, người tham gia sẽ tự kiểm tra quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT; trường hợp không nhớ mã số BHXH, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý… Đồng thời, bà Trần Thị Thúy Nga cũng trả lời những vướng mắc, khó khăn của sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế Nguyễn Thị Hồng Hải đã cung cấp thông tin về phạm vi quyền lợi; mức hưởng, thanh toán khi đi KCB BHYT; Luật BHYT và hệ thống tài chính y tế ở Việt Nam…